Ứng phó với khủng hoảng nợ công - kinh nghiệm của Việt Nam
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:35, 08/12/2022
Kinh nghiệm kiểm toán nợ công của Việt Nam
KTNN coi kiểm toán nợ công là nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, giai đoạn 2017-2021, KTNN thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên đề về công tác quản lý nợ công tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc thực hiện kiểm toán nợ công theo quy trình chung của KTNN, gồm 4 bước: Chuẩn bị kiểm toán (khảo sát thu thập thông tin, lập kế hoạch kiểm toán tổng quát); thực hiện kiểm toán; lập và gửi báo cáo kiểm toán; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Đặc biệt, để cuộc kiểm toán đạt được mục tiêu đề ra và có chất lượng, cơ quan kiểm toán cần ban hành hướng dẫn riêng cho cuộc kiểm toán nợ công, hướng dẫn chi tiết để thực hiện các bước của quy trình kiểm toán, trong đó cụ thể hóa các nội dung kiểm toán tại từng đầu mối, đơn vị quản lý nợ, nêu đầy đủ các bước thực hiện kiểm toán, thu thập bằng chứng theo từng chỉ tiêu nợ công. Đồng thời, đưa nội dung kiểm toán nợ công gắn với kiểm toán ngân sách Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) và trong mối quan hệ với quản lý các nguồn lực quốc gia. Thông qua mối liên hệ này để thấy được tính bền vững của tài chính ngân sách quốc gia cũng như thấy được bất cập trong việc vay, trả nợ, hạch toán các khoản nợ công. Mặt khác, nhận biết được việc hạch toán đầy đủ các khoản nợ kể cả trung ương và địa phương và thấy được mức chi trả hàng năm cho chi phí vay nợ. Kết quả kiểm toán cần phải được báo cáo kịp thời tới các cơ quan có trách nhiệm giám sát về nợ công.
KTNN cũng cho rằng, để thực hiện có hiệu quả cuộc kiểm toán nợ công, cần có sự phối hợp, trao đổi thông tin với cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về nợ công (Bộ Tài chính) để thu thập tài liệu thông tin về nợ công, sau đó tiến hành phân tích thông tin lập Kế hoạch kiểm toán. Mặt khác, sau khi kết thúc kiểm toán, Đoàn kiểm toán tổng hợp, lập Báo cáo kiểm toán, tổ chức xét duyệt 2 cấp (cấp đơn vị chủ trì và cấp Ngành), mục đích để rà soát lại các kết luận kiến nghị kiểm toán có phù hợp với những phát hiện kiểm toán hoặc ngược lại, đảm bảo kết quả kiểm toán phản ánh đúng tình hình, thực trạng quản lý nợ công và cơ sở pháp lý của kết luận, kiến nghị kiểm toán. Sau khi hoàn thiện Báo cáo kiểm toán, đơn vị chủ trì gửi lấy ý kiến của Bộ Tài chính, sau đó hoàn thiện phát hành Báo cáo kiểm toán.
7 giải pháp ứng phó với khủng hoảng nợ công tại Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị về Quản lý nợ lần thứ 13 của UNCTAD, được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) từ ngày 05-07/12, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục kiểm soát hiệu quả các khoản nợ công, tất cả các chỉ tiêu chính đều duy trì dưới ngưỡng cảnh báo an toàn do Quốc hội đưa ra. Cụ thể, đến cuối năm 2022, nợ công khoảng 44-44% GDP, nợ Chính phủ khoảng 40-41% GDP, nợ nước ngoài từ GDP khoảng 41-42%, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách từ 18-19%. Ngoài ra, vào tháng 11/2022, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đã đánh giá nợ chính phủ của Việt Nam nằm trong tầm kiểm soát…
Để đạt được kết quả trên, Tổng Kiểm toán nhà nước chia sẻ 7 giải pháp ứng phó với khủng hoảng nợ công tại Việt Nam: Thứ nhất, tiếp tục cải thiện khuôn khổ pháp lý, thường xuyên sửa đổi các quy định về nợ công, ngân sách, đầu tư công cho phù hợp với các thông lệ quốc tế. Thứ hai, kết hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, hài hòa, bám sát kế hoạch tài chính quốc gia cũng như các kế hoạch vay, trả nợ 5 năm và hàng năm của Chính phủ; đồng thời huy động các nguồn lực ngoài ngân sách trong và ngoài nước để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, Việt Nam huy động vốn trái phiếu Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngân sách với tỷ lệ lãi suất phù hợp, đảm bảo sức hấp dẫn của thị trường. Phát hành đa dạng các loại trái phiếu chính phủ, đặc biệt là trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn dưới 5 năm để đáp ứng nhu cầu vay, hài hòa dòng tiền trả nợ, giảm chi phí nợ so với trái phiếu kỳ hạn dài. Thứ tư, cơ cấu lại danh mục nợ trong nước của Chính phủ; tranh thủ các nguồn vốn khác như: Nguồn bổ sung ngân sách, nguồn chi chưa sử dụng, vốn vay từ NSNN để xây dựng các kế hoạch huy động vốn phù hợp, tiết kiệm chi phí nợ cho ngân sách trung ương, tăng cường mối liên kết giữa kho bạc, cơ quan quản lý nợ công và NSNN.
Thứ năm, điều chỉnh các chính sách để dành một phần nguồn thu bổ sung cho việc trả nợ gốc, từ đó giảm gánh nặng nợ và áp lực trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong trung và dài hạn. Thứ sáu, Việt Nam đã tháo gỡ các rào cản chính sách để giải ngân đầu tư công, đồng thời phân bổ thêm vốn cho các dự án hạ tầng trọng điểm, có tiềm năng lan tỏa và khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cao. Thứ bảy, phát huy vai trò của cơ quan kiểm toán tối cao trong việc phát hiện và ngăn ngừa rủi ro khủng hoảng nợ công. Theo kinh nghiệm của Việt Nam, việc duy trì kiểm soát các chỉ tiêu an toàn nợ công là cần thiết, nhưng cần đặt trong mối quan hệ với hiệu quả sử dụng vốn vay. Vì vậy, việc sử dụng các biện pháp giám sát ngân sách để đảm bảo các khoản vay được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả là “chìa khóa” để ngăn chặn khủng hoảng nợ công.
“Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với nhiều bất ổn, đầy rẫy những thách thức khó lường, các diễn đàn quốc tế như diễn đàn UNCTAD 13 sẽ tạo nền tảng phù hợp để các quốc gia tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất nhằm từng bước vượt qua các cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Đoàn kết, chung tay với nhau, chúng ta sẽ xây dựng nên một cộng đồng quốc tế bền vững và thịnh vượng” - Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định./.