Giao dự toán cho lĩnh vực giáo dục đúng mức Thủ tướng giao

Kinh tế - Ngày đăng : 08:01, 09/12/2022

(TBTCO) - Bộ Tài chính vừa hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, trong đó hướng dẫn về phân bổ, giao dự toán đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ.
toan-canh-hs.jpg
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ dự toán cho lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ không thấp hơn mức Thủ tướng giao. Ảnh: Thùy Anh.

Theo Dự thảo, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên cho các đơn vị sử dụng ngân sách phải khớp đúng dự toán được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính giao, hội đồng nhân dân quyết định, ủy ban nhân dân giao cả về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi.

Việc phân bổ, giao dự toán phải đảm bảo về thời gian, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, đảm bảo bố trí đủ kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ đã ban hành, những nhiệm vụ quan trọng theo quy định của pháp luật, những nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề, phân bổ, giao dự toán chi ngân sách cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới không thấp hơn mức dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với sự nghiệp khoa học và công nghệ, phân bổ, giao dự toán chi ngân sách cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới không thấp hơn mức dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, đồng thời phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản hướng dẫn.

Ngoài ra, ưu tiên bố trí kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật theo quy định, kinh phí thực hiện các hoạt động của chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; kinh phí triển khai, tuyên truyền về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, tuyên truyền quảng bá ASEAN.

Sử dụng kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về NSNN để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch theo Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030 và hướng dẫn của Bộ Tài chính./.

THÙY ANH