Nỗ lực bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão
Kinh tế - Ngày đăng : 06:50, 09/12/2022
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, năm nay, Tết Nguyên đán rất gần với Tết dương lịch (cách nhau 20 ngày) nên công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân đón Tết cần được tích cực triển khai từ sớm để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2022 và dự báo dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tại các địa phương; các giải pháp để bảo đảm ổn định thị trường, giá cả trong dịp Tết Nguyên đán.
Hội nghị cũng đánh giá về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cần được tháo gỡ và đề xuất các kiến nghị, giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô năm 2023.
Theo báo cáo của các địa phương, sau đại dịch Covid-19, người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho mua sắm. Thị trường hàng hoá giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão được dự đoán sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Nhu cầu hàng hóa tăng cộng với việc Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai.
Ước dự trữ hàng hoá tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường...
Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước. Năm 2022, ước nhu cầu sẽ tăng khoảng 8-10% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng đặc sản vùng miền, hàng hoá chất lượng cao vẫn được người dân quan tâm mua sắm và tiêu dùng.
Tại một số tỉnh, thành như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng..., Sở Công Thương địa phương đã có các văn bản chỉ đạo và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị cho dịp Tết, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng; đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch hàng hóa Tết tại địa phương.
Bên cạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường, UBND một số địa phương tiếp tục thực hiện các phương thức hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện bình ổn thị trường như hỗ trợ lãi suất vốn vay tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng hoặc vay vốn với lãi suất 0%…
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tình hình sản xuất các mặt hàng nông sản thực phẩm năm 2022 tương đối thuận lợi, nguồn cung mặt hàng thực phẩm thiết yếu dồi dào nên bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương tiếp cận vốn vay ngân hàng để dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Theo Bộ Tài chính, tình hình giá cả hàng hóa nói chung hiện không có diễn biến bất thường, lạm phát đang trong giới hạn kiểm soát của Chính phủ. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo các Sở Tài chính địa phương triển khai các biện pháp giám sát biến động giá hàng hóa và bảo đảm bình ổn giá các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết.
Để bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, tạo tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2023 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, các Hiệp hội ngành hàng tập trung thực hiện một số nhiệm vụ.
Cụ thể là đẩy mạnh sản xuất, hỗ trợ vốn vay, thực hiện các biện pháp dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, kế hoạch triển khai các chương trình phục vụ Tết, các chương trình xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng chính sách về các vùng sâu, vùng xa, công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa đầy đủ, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.