Hải Dương phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt trên 9% và đề ra 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Địa phương - Ngày đăng : 10:22, 09/12/2022
Nhiều chỉ tiêu năm 2022 vượt kế hoạch đề ra
Tại Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Ngọc Bích khẳng định: tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của Tỉnh đạt kết quả tích cực nhờ thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Trung ương và chủ đề năm 2022 “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đúng đắn, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và nỗ lực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp...
Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 21.500 tỷ đồng, vượt 0,9% kế hoạch năm, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2021. Sản xuất công nghiệp - xây dựng khởi sắc từ đầu năm và giữ đà tăng trưởng cao trong 6 tháng cuối năm, tăng 11,8% so với cùng kỳ.
Hoạt động dịch vụ phục hồi nhanh, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Công tác tài chính - ngân sách cơ bản đáp ứng yêu cầu. Thu ngân sách nhà nước đạt khá, ước đạt 19.314 tỷ đồng, vượt 30% dự toán năm.
Trong năm, có trên 1.600 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11% so với năm trước, có 900 doanh nghiệp quay lại hoạt động.
Những kết quả này tạo cơ sở vững chắc để tỉnh tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025 đề ra.
Đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt trên 9%
Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đề xuất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt trên 9% và đề ra 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm tới với nhiều nhóm giải pháp trọng tâm. Theo đó, để hoàn thành tốt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh sẽ tổ chức giao chỉ tiêu kế hoạch và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tập trung vào 7 nội dung:
Một là, tập trung hoàn thành công tác lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh, chậm nhất trong quý I/2023 phải hoàn thành để tạo tiền đề phát triển, dẫn dắt các lĩnh vực khác. Kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là những chồng chéo trong pháp luật về đầu tư, pháp luật đất đai, làm cơ sở khai thông nút thắt trong thu hút đầu tư. Quyết tâm, quyết liệt cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế phát triển, thu hút các tập đoàn kinh tế lớn, các nhà đầu tư chiến lược.
Hai là, kiên trì các hoạt động tư vấn và xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư. Linh hoạt, chủ động trong đối thoại, mời gọi các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, uy tín cao, các dự án có chất lượng đầu tư vào tỉnh. Kiên quyết xử lý những cá nhân sách nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp địa phương và làm tốt công tác quản lý nhà nước sau cấp phép đầu tư. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), duy trì PCI năm 2023 của tỉnh ở mức cao trong cả nước.
Ba là, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, dự án quan trọng có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trước hết, tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng (có Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng, duy trì chế độ báo cáo công tác hằng tuần và phân công lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường).
Bốn là, đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng kết nối vùng theo chương trình, nội dung thống nhất với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng. Quyết liệt chỉ đạo, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm năm 2023 giải ngân hết 100% kế hoạch vốn giao của các cấp ngân sách. Xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả; trước mắt, tập trung rà soát danh mục 130 dự án chậm tiến độ, 77 dự án chưa triển khai hoặc mới chỉ triển khai thực hiện một phần như đã nêu tại báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh.
Năm là, triển khai thực hiện dự toán ngân sách năm 2023 và kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2023 - 2025 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2023. Tập trung đánh giá, rà soát các nguồn thu, dự án tạo nguồn thu. Trên cơ sở phương án rà soát đất đai, tài sản công đã được phê duyệt, xây dựng phương án sử dụng, xử lý có hiệu quả, tạo thành nguồn lực lớn phục vụ đầu tư phát triển. Đẩy nhanh việc tính tiền sử dụng đất của các dự án khu đô thị, khu dân cư đã lựa chọn xong nhà đầu tư.
Sáu là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; trong đó chú ý việc tổng kết, nhân rộng mô hình xử lý rác thải sinh hoạt có hiệu quả qua thực tế triển khai thí điểm ở khu vực nông thôn.
Bảy là, tổ chức triển khai thực hiện nội dung Chương trình số 22-CTr/TU, ngày 19/8/2021 của Tỉnh ủy về “Phát huy giá trị văn hóa Xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Khẩn trương hoàn thành Đề án sáp nhập trường Cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy các giải pháp xã hội hóa giáo dục. Tăng cường cơ sở vật chất ngành giáo dục, y tế; tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động khám chữa bệnh. Chăm lo đời sống tinh thần, chế độ cho đội ngũ nhà giáo, y bác sĩ, nhân viên y tế. Bảo đảm an toàn, an ninh trật tự cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
“Với dự báo năm 2023 sẽ có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức có thể nhiều hơn, chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực, quyết tâm thích ứng an toàn, linh hoạt, vượt qua thách thức sau đại dịch, phục hồi và phát triển bền vững về kinh tế - xã hội”, ông Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh.