Còn nhiều thách thức trong phát triển ngân hàng số

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 21:17, 09/12/2022

(BKTO) - Thời gian gần đây, lĩnh vực ngân hàng số tại Việt Nam đã, đang phát triển khá nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tuy nhiên, các ngân hàng gặp không ít thách thức trong quá trình đẩy mạnh phát triển ngân hàng số.

Đây là chủ đề được trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn “Quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn tài chính thúc đẩy hoạt động Fintech và ngân hàng số tại Việt Nam”, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức vào sáng 08/12.

dien-dan.jpg
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: D.THIỆN

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho biết, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam được đánh giá là đang bước vào giai đoạn bùng nổ.

Theo đó, hệ sinh thái số, thanh toán số được thiết lập, kết nối dịch vụ ngân hàng số với nhiều dịch vụ số khác trong nền kinh tế, qua đó đã mang lại các trải nghiệm liền mạch và nhiều lợi ích cho người sử dụng dịch vụ trên không gian số.

Đồng thời, nhiều nghiệp vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, thanh toán chuyển tiền, gửi tiền tiết kiệm đã được số hóa toàn diện 100%, cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số.

Đặc biệt, nhiều ngân hàng chuyển đổi số ở tốp đầu đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu, chỉ từ 30% - 40%, phản ánh hiệu quả từ chuyển đổi số, phát triển dịch vụ ngân hàng số.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, theo ông Hùng, trong quá trình đẩy mạnh phát triển ngân hàng số, các ngân hàng cũng gặp phải những thách thức không nhỏ trong việc ngăn chặn các hành vi lừa đảo, gian lận của tội phạm công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Cụ thể là, tình trạng đánh cắp thông tin bảo mật để chiếm quyền sử dụng thẻ, tài khoản ngân hàng điện tử; lừa đảo khách hàng tự thực hiện giao dịch gian lận (kẻ gian lừa khách hàng tự thực hiện giao dịch như chuyển tiền cho kẻ gian); trộm cắp danh tính (kẻ gian sử dụng trái phép, bất hợp pháp thông tin cá nhân của khách hàng để đăng ký mở tài khoản, đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng để chiếm quyền sử dụng, đăng ký vay trực tuyến hoặc sử dụng vào các mục đích gian lận)…

“Các vụ việc lừa đảo của tội phạm công nghệ cao không ngừng gia tăng, bất chấp việc ngân hàng đã áp dụng các giải pháp công nghệ bảo mật mới nhất và thường xuyên cảnh báo tới khách hàng cần bảo mật thông tin trong quá trình giao dịch” - ông Hùng nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về những thách thức trong việc chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng, bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Ngân hàng số, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) - cho biết, hiện nay, ở nhiều ngân hàng vẫn còn thiếu nhân sự đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ về chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng lõi còn tương đối lạc hậu, chưa đủ điều kiện để tích hợp ứng dụng số hóa dựa trên dữ liệu lớn. Mặt khác, các công nghệ ứng dụng trong ngân hàng số thường có tốc độ phát triển nhanh và dễ dàng bị thay thế bởi các công nghệ mới.

Do đó, các ngân hàng đứng trước áp lực lớn trong việc phải thường xuyên cải tiến, nâng cấp hệ thống để đáp ứng sự phát triển ngành càng nhanh, mạnh mẽ của các công nghệ mới...

Ngoài ra, hiện nay, tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh và thay đổi từng ngày, nhưng các quy định pháp lý lại chưa theo kịp; trong đó hành lang pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng và các giao dịch điện tử còn yếu. Điều này cũng cản trở lớn đến việc đẩy mạnh chuyển đổi số của các ngân hàng thương mại.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, cơ sở pháp lý cho hệ thống các ngân hàng thương mại tiến hành chuyển đổi số hiện mới chỉ đạt 50% các quy định, trong đó chủ yếu là các quy định về định danh điện tử, thanh toán điện tử…, trong khi nhiều quy định liên quan đến bảo lãnh, cho vay chưa được xây dựng, ban hành.

Từ thực tế trên, các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, điều quan trọng nhất là các cơ quan chức năng cần nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật liên quan đến ngân hàng số, giao dịch điện tử một cách đồng bộ, toàn diện, qua đó tạo hành lang pháp lý vững chắc cho lĩnh vực ngân hàng số phát triển.

Về phía các ngân hàng thương mại, bà Nga khuyến nghị, triển khai áp dụng ngân hàng số sẽ liên quan đến việc nhiều nhà cung cấp bên thứ ba tham gia vào quá trình cung ứng, hỗ trợ hoạt động. Do đó, các ngân hàng cần tăng cường rà soát, thẩm định thông tin, năng lực của bên thứ ba trước khi ký hợp đồng.

Đặc biệt, theo bà Nga, việc đầu tiên và khó khăn nhất trong công tác phòng, chống tội phạm tài chính là xác định danh tính khi khách hàng mở tài khoản trực tuyến.

Do đó, các ngân hàng có thể xác định danh tính khách hàng thông qua việc lựa chọn nhà cung cấp giải pháp định danh khách hàng điện tử (eKYC) đủ năng lực để triển khai.

Đồng thời, các ngân hàng cần cân bằng giữa việc tuân thủ các quy định pháp luật và tăng trải nghiệm cho khách hàng để giảm thiểu rủi ro về rửa tiền, gian lận trong hoạt động tài chính - ngân hàng.

DIỆU THIỆN