Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam nỗ lực “về đích”

Xã hội - Ngày đăng : 07:22, 10/12/2022

(BKTO) - Đến thời điểm này, đã có 8 địa phương hoàn thành một số chỉ tiêu được giao về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT); hầu hết các địa phương đang tiệm cận chỉ tiêu về công tác thu, giảm nợ đọng; về thực hiện chính sách BHYT… Đây là cơ sở để toàn ngành BHXH nỗ lực, quyết tâm hoàn thành tốt các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2022.
a91d7a30-880c-444f-bda8-56cba5b2f6d3.png
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: baohiemxahoi.gov.vn

Số người tham gia BHXH, BHYT tăng mạnh những tháng cuối năm

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành BHXH tháng 12/2022 diễn ra mới đây, ông Đinh Mai Long - Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam cho biết: Tính đến hết tháng 11, cả nước có 17,26 triệu người tham gia BHXH, tăng 4,35% so với cuối năm 2021; hơn 90,1 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 91,1% dân số. Toàn ngành thu đạt 88,7% kế hoạch được Chính phủ giao, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ nợ BHXH, BHYT chiếm 5,5% so với số phải thu, trong đó số nợ phải tính lãi chiếm 3,3%...

Theo báo cáo của các địa phương tại Hội nghị, tính đến thời điểm này, hầu hết các địa phương đều đang tiệm cận chỉ tiêu về công tác thu, giảm nợ đọng; về thực hiện chính sách BHYT, thanh tra, kiểm tra, chuyển đổi số… đạt những kết quả tích cực. Các chỉ tiêu về phát triển người tham gia BHXH, BHYT tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Dương Văn Hào - Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết thêm, đến nay đã có 5 địa phương hoàn thành chỉ tiêu về BHXH bắt buộc, 2 địa phương hoàn thành chỉ tiêu về BHYT, 1 địa phương hoàn thành chỉ tiêu về BHXH tự nguyện; nhiều địa phương đang “nước rút về đích.

Theo ông Hào, thời gian qua, công tác thu, phát triển người tham gia gặp nhiều khó khăn, thách thức đến từ chính sách, bối cảnh kinh tế - xã hội, đặc biệt là những biến động về lao động, việc làm của người lao động những tháng cuối năm… Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo ngành, nhiều địa phương đã nỗ lực, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, nên kết quả 11 tháng qua có những chuyển biến tích cực, đặc biệt từ tháng 9 tới nay, số người tham gia tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Bám sát các nhóm đối tượng để hoàn thành chỉ tiêu

Tuy nhiên, bên cạnh các địa phương đang có sự phát triển tích cực số người tham gia, vẫn còn một số địa phương chưa đạt chỉ tiêu, tiến độ được giao. Để hoàn thành chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia, ông Dương Văn Hào đề nghị, trong những ngày còn lại của năm, BHXH các tỉnh, thành phố cần tập trung thực hiện các giải pháp, nhất là tập trung phát triển BHYT với nhóm học sinh, sinh viên. Đồng thời, rà soát, đôn đốc các địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu BHYT theo tiêu chí nông thôn mới; hộ nông- lâm- ngư nghiệp có mức sống trung bình, hộ gia đình; rà soát và tập trung phát triển nhóm đối tượng hết hạn thẻ BHYT, đã tham gia BHXH tự nguyện nhưng chưa tiếp tục đóng.

Ngoài ra, các địa phương cần linh hoạt các biện pháp vận động, yêu cầu các tổ chức dịch vụ thu đảm bảo duy trì số đang tham gia, đồng thời với vận động tăng mới; bám sát, kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ người tham gia, huy động nguồn lực xã hội hoá, ủng hộ của các mạnh thường quân để tặng thẻ BHYT, sổ BHXH cho người dân.

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu, từ nay đến cuối năm, các đơn vị liên quan phải phối hợp chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc tại địa phương; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành phấn đấu tăng thu, giảm nợ đọng so với năm 2021. Trong phát triển người tham gia BHXH bắt buộc, cần theo sát tình hình cung - cầu lao động tại các tỉnh; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm để vừa hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn người lao động tìm được việc làm, vừa phát triển người tham gia. Đối với BHXH tự nguyện, cần tiếp tục mở rộng cộng tác viên trong các tổ chức dịch vụ thu; nghiên cứu giải pháp quản lý, phát triển đại lý chuyên nghiệp và xây dựng kế hoạch, chương trình tập huấn, đào tạo nghiệp vụ; bám sát các nhóm đối tượng thu về BHYT để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

Liên quan đến công tác khám, chữa bệnh BHYT, ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT đề nghị BHXH các địa phương cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám, chữa bệnh để giải quyết, xử lý triệt để các vướng mắc liên quan đến thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Đặc biệt, các địa phương cần chú ý rà soát, cân đối tỷ lệ sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT theo đúng dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đạt được của toàn ngành BHXH, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, kết quả đạt được 11 tháng năm 2022 đã thể hiện trách nhiệm, tâm huyết, quyết liệt, với nhiều giải pháp cụ thể của toàn Ngành trong thực hiện nhiệm vụ.

Để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, Tổng Giám đốc yêu cầu BHXH các địa phương cần bám sát tình hình, đánh giá di biến động lao động để có các chỉ đạo, điều hành phù hợp. Cùng với đó, phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức dịch vụ thu nhằm phát triển người tham gia BHXH, BHYT, trọng tâm là phát triển đối với nhóm học sinh, sinh viên, nhóm đã tham gia đến nộp, nhóm địa phương thực hiện chỉ tiêu nông thôn mới, hộ gia đình có mức sống trung bình. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thu nợ, tiếp tục huy động các nguồn hỗ trợ tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Về công tác khám, chữa bệnh BHYT, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề nghị các đơn vị trong toàn ngành tăng cường các giải pháp quản lý Quỹ để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT; chủ động phối hợp đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế cho hoạt động khám, chữa bệnh BHYT; đánh giá, giải quyết ngay các vướng mắc trong quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT./.

Đ. KHOA