Sửa đổi 5 vấn đề về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
Pháp luật - Ngày đăng : 14:07, 10/12/2022
Vì sao lùi lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công đến năm 2025?
Lý giải về đề xuất này, bà Vũ Thị Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính - cho biết: Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết 19) và khoản 3 Điều 5 Nghị định 60 quy định: Đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá).
Tuy vậy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới tình hình kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo tại Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 24/3/2022: “Trước mắt chưa xem xét điều chỉnh giá, tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân”. Theo đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ sửa đổi khoản 3 Điều 5 Nghị định 60, cho phép lùi lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN đến năm 2025. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành đề xuất dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực quản lý cần lùi lộ trình và thời điểm hoàn thành lộ trình tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công.
Về kinh phí hỗ trợ từ NSNN đối với các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), Dự thảo đề xuất sửa đổi quy định hiện hành (tại điểm c khoản 1 Điều 11 Nghị định 60) về nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công nhóm 1, nhóm 2 để đảm bảo bao quát các trường hợp đơn vị nhóm 2 vẫn được giao kinh phí thực hiện các chương trình, dự án (gồm mua sắm, sửa chữa). Cụ thể, kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao (nếu có), gồm: Kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kinh phí vốn đối ứng thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài theo quyết định của cấp có thẩm quyền; kinh phí thực hiện nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao; kinh phí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho ĐVSNCL để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN trong trường hợp chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá để đặt hàng; kinh phí thực hiện các chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt (gồm mua sắm, sửa chữa).
Bổ sung, chỉnh sửa một số quy định khác
Về nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương của đơn vị nhóm 3 và nhóm 4, các địa phương cho rằng, nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương hiện hành quy định nội dung chi thường xuyên giao tự chủ dẫn đến hiểu nhầm là nguồn kinh phí cải cách tiền lương trích lập đơn vị được thực hiện tự chủ. Mặt khác, đơn vị nhóm 4 vẫn có các khoản thu sự nghiệp, thu dịch vụ, do đó, đơn vị vẫn phải thực hiện trích nguồn cải cách tiền lương. Tuy nhiên, điểm b khoản 1 Điều 20 Nghị định 60 chỉ quy định thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng năm để tạo nguồn cải cách tiền lương, không quy định trích nguồn cải cách tiền lương đối với khoản thu sự nghiệp, thu dịch vụ. Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định về nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương tại điểm b khoản 1 Điều 16 và điểm b khoản 1 Điều 20 Nghị định 60 do không phù hợp với thực tế.
Về giao quyền tự chủ tài chính đối với ĐVSNCL có ĐVSNCL trực thuộc, Dự thảo đang lấy ý kiến của Bộ, ngành, địa phương để sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định 60 theo hướng áp dụng đối với trường hợp đơn vị sự nghiệp trực thuộc được phân loại thuộc nhóm lĩnh vực khác với ĐVSNCL cấp trên. Cụ thể, đối với ĐVSNCL có đơn vị sự nghiệp trực thuộc, hạch toán độc lập, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc các ngành, lĩnh vực khác với chức năng, nhiệm vụ chính của đơn vị sự nghiệp công cấp trên: ĐVSNCL xây dựng phương án tự chủ tài chính báo cáo đơn vị sự nghiệp công cấp trên trực tiếp phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan quản lý cấp trên (điểm a khoản 2 Điều này). ĐVSNCL cấp trên xây dựng phương án tự chủ tài chính của đơn vị (không bao gồm phương án tự chủ tài chính của ĐVSNCL trực thuộc đã quy định tại điểm a khoản này) gửi cơ quan quản lý cấp trên.
Trong trường hợp ĐVSNCL trực thuộc được xác định là đơn vị nhóm 3 hoặc nhóm 4, cơ quan quản lý cấp trên cần lấy ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp để làm cơ sở giao quyền tự chủ tài chính cho ĐVSNCL quy định tại điểm a khoản 2 Điều này. Ví dụ: Trường đại học (đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực giáo dục) thành lập bệnh viện (đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế) hoặc viện nghiên cứu (đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực khoa học) trực thuộc thì trường đại học sẽ chịu trách nhiệm phê duyệt phương án tự chủ của bệnh viện hoặc viện nghiên cứu trực thuộc sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan cấp trên.
Ban Soạn thảo cũng đang xin ý kiến về việc có cần thiết quy định riêng về việc giao quyền tự chủ tài chính đối với ĐVSNCL có ĐVSNCL trực thuộc hay quy định thống nhất chung về quy trình các ĐVSNCL xây dựng phương án tự chủ tài chính báo cáo cơ quan quản lý cấp trên xem xét, thẩm định gửi lấy ý kiến cơ quan tài chính cùng cấp có ý kiến; trên cơ sở đó, cơ quan quản lý cấp trên ra quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho các ĐVSNCL trực thuộc (gồm ĐVSNCL trực thuộc ĐVSNCL).
Ban Soạn thảo cũng đang lấy ý kiến về việc có được sử dụng Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp để mua xe ô tô phục vụ công tác hoặc để hỗ trợ công tác hay không theo đề nghị của một số đơn vị, địa phương./.
Điều 9 Nghị định 60 quy định cụ thể tiêu chí phân loại mức tự chủ tài chính của 4 nhóm ĐVSNC, gồm: ĐVSNC tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1); ĐVSNC tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2); ĐVSNC tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (nhóm 3); ĐVSNC do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 4).