Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính): Bộ Tài chính nghiêng về phương án thu thuế đối với nhà trên 700 triệu đồng

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 14:15, 23/04/2018

(BKTO) - Tại cuộc họp báo công bố Dự thảo về Luật Thuế tài sản (LTTS) ngày 13/4, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) - đã giải đáp băn khoăn của các nhà báo về một số vấn đề liên quan, như: đối tượng chịu thuế, ngưỡng chịu thuế, mức độ tác động đến người dân… Phóng viên Báo Kiểm toán đã lược ghi nội dung chính của cuộc trao đổi.


Thưa ông, trong Dự thảo LTTS, Bộ Tài chính đã đề xuất những đối tượng nào sẽ phải chịu sự điều chỉnh của loại thuế này?

- Trong Dự thảo Luật, chúng tôi đề xuất ba nhóm đối tượng chịu thuế tài sản: Thứ nhất là đất phi nông nghiệp, bao gồm: đất ở tại đô thị và đất ở tại nông thôn; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, gồm: đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm. Thứ hai là nhà ở, nhà và công trình thương mại, dịch vụ. Thứ ba là tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên.

Căn cứ để tính thuế tài sản là giá tính thuế (theo bảng giá do UBND cấp tỉnh công bố tại thời điểm tính thuế) và thuế suất. Thuế suất được Bộ Tài chính đề xuất áp dụng từ 0,3 đến 0,4% cho ba nhóm đối tượng nói trên.

Ông Phạm Đình Thi trả lời các câu hỏi của báo chí.Ảnh: T.Hường

Mục đích của Dự thảo này là nhằm thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về tiếp tục cải cách chính sách thuế đối với tài sản; đảm bảo mở rộng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng cường quản lý nhà nước đối với tài sản, điều tiết một phần nhỏ thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất, góp phần đảm bảo công bằng xã hội...100% nguồn thu thuế tài sản sẽ để lại cho địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng và góp phần làm tăng giá trị của đất đai.

Ông có thể lý giải tại sao Bộ Tài chính đã đề xuất phương án đối tượng chịu thuế nhà ở có giá trị tối thiểu từ 700 triệu đồng?

- Quyết định số 2127/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân của mỗi người sẽ đạt 25m2 sàn/người. Theo đó, nếu một hộ gia đình có 4 người thì diện tích nhà ở trung bình khoảng 100m2, còn theo quy định về xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở bình quân khoảng 7,3 triệu đồng/m2. Khi đó, giá trị xây dựng mới đối với căn nhà 100m2 là khoảng 730 triệu đồng. Vì vậy, Bộ Tài chính đã đề xuất phương án đối tượng chịu thuế nhà ở có giá trị tối thiểu từ 700 triệu đồng.

Mức chịu thuế trên (tính theo suất vốn đầu tư xây dựng) sẽ không điều tiết đối với những người sở hữu nhà ở có giá trị không lớn, có thu nhập thấp và trung bình; không điều tiết đối với nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà cấp IV; không điều tiết đối với hầu hết nhà tại nông thôn và nhà cấp III.

Thực ra, Bộ Tài chính đã xây dựng 2 phương án thuế suất thuế tài sản đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế: mức tối thiểu để áp dụng hoặc từ 700 triệu đồng hoặc từ 1 tỷ đồng và mức thuế suất là từ 0,3 đến 0,4%. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo nghiêng về phương án ngưỡng 700 triệu đồng. Với cách tính như vậy, căn nhà trị giá 1 tỷ đồng sẽ có phần phải tính thuế là 300 triệu đồng.

Trước đây, từng có ý kiến đề xuất Nhà nước chỉ nên đánh thuế tài sản đối với nhà thứ 2 trở đi. Vậy tại sao nội dung này lại không được Bộ Tài chính đề cập trong Dự thảo Luật, thưa ông?

- Việc đánh thuế căn nhà thứ 2 trở đi đã được áp dụng tại một vài nước trên thế giới như Singapore, Nhật, Anh, Pháp - nơi có thị trường bất động sản minh bạch, có hệ thống quản lý nhà, đất chặt chẽ. Tại Việt Nam, các giao dịch mua bán bất động sản chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản, giấy tờ, vấn đề áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn rất hạn chế, do đó, quá trình xác định sở hữu nhà thứ 2 trở đi của tổ chức, cá nhân là khá phức tạp.

Hơn nữa, việc chỉ đánh thuế đối với căn nhà thứ 2 trở đi sẽ không đảm bảo công bằng trong trường hợp người chỉ có 1 căn nhà diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có 2 căn nhà nhưng diện tích mỗi căn nhà không lớn hoặc giá trị không lớn vẫn bị đánh thuế. Đồng thời, doViệt Nam chưa có cơ sở dữ liệu về nhà ở đầy đủ nên sẽ gây khó khăn khi triển khai thu thuế. Với những lý do trên, Bộ Tài chính đề nghị không thực hiện phương án chỉ đánh thuế đối với ngôi nhà thứ 2 trở đi.

Theo ông, nếu được thông qua, Dự Luật này sẽ tác động như thế nào đến người dân và DN?

- Như chúng ta đã biết, ở Việt Nam ai cũng có nhà vì nhà là nhu cầu thiết yếu. Chính vì thế, Luật Thuế tài sản sẽ tác động đến mọi người dân trong xã hội. Tuy nhiên, Luật này chỉ nhằm điều tiết một phần nhỏ thu nhập và tài sản của người dân. Ví dụ, với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên, thuế sẽ được tính trên phần vượt. Với thuế suất rất thấp, vào khoảng 0,3% - 0,4% như đề xuất, chắc chắn việc áp thuế này sẽ không tác động lớn đến thị trường bất động sản.

Theo tính toán sơ bộ đối với thuế tài sản từ nhà ở, nếu áp dụng thuế suất 0,3% cho mức tối thiểu là 1 tỷ đồng, ngân sách sẽ thu được khoảng 22.700 tỷ đồng. Cùng thuế suất đó, nếu áp dụng cho mức tối thiểu là 700 triệu đồng, ngân sách sẽ thu được khoảng 23.300 tỷ. Trong trường hợp thuế suất 0,4%, việc áp dụng mức tối thiểu là 1 tỷ đồng sẽ giúp ngân sách đạt khoảng 30.300 tỷ đồng, còn nếu chọn phương án mức tối thiểu là 700 triệu đồng thì ngân sách sẽ thu về khoảng 31.000 tỷ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

THU HƯỜNG (lược ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 16 ra ngày 19-4-2018