Thị trường M&A ngân hàng: Gia tăng các hoạt động bán vốn cho nhà đầu tư
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 14:30, 23/04/2018
(BKTO) - Ngay từ đầu năm 2018, một số ngân hàng đã lên kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nhằm tăng cường tiềm lực và tiếp tục thực hiện công cuộc tái cơ cấu. Đó là những tín hiệu cho thấy thị trường M&A (mua bán và sáp nhập) ngân hàng đang dịch chuyển theo hướng gia tăng các hoạt động mua bán, thay vì dồn dập thực hiện các thương vụ sáp nhập như 2 năm trước đây.
Ngân hàng lên kế hoạchbán vốn
Những tháng đầu năm 2018, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là một trong những nhà băng đã tích cực thúc đẩy hoạt động M&A. Được sự cho phép của Chính phủ, Vietcombank đang có kế hoạch bán hơn 350 triệu cổ phần, tương đương 10% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài đến hết tháng 6 năm nay. Theo đó, cổ phiếu sẽ được phát hành thông qua đấu giá công khai hoặc bán riêng lẻ cho một số nhà đầu tư nước ngoài. Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Vietcombank - cũng sẽ được phép mua thêm cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu tại Ngân hàng này.
Cùng với Vietcombank, nhiều ngân hàng khác cũng đang có kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã cân nhắc việc bán 30% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài. Còn Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt cũng đang trong kế hoạch bán hơn 10% cổ phần. Bên cạnh đó, sau thành công của thương vụ chuyển nhượng 23% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài vào năm ngoái, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng hiện vẫn dự định tiếp tục triển khai kế hoạch M&A. Đáng lưu ý, công cuộc tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài cho 2 ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước (gồm: Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Đại Dương và Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Dầu khí Toàn cầu) vẫn đang được thực hiện.
Giới chuyên gia nhận định, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, quản trị điều hành đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, tỷ lệ nợ xấu giảm, doanh thu và lợi nhuận tốt… là những cơ sở để các ngân hàng tự tin đặt mục tiêu bán vốn với tỷ lệ cao.
Mặt khác, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính, ngân hàng, việc thực hiện thành công kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo cơ hội cho những chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực tài chính vào làm việc tại các ngân hàng Việt Nam. Bằng thực tiễn và kinh nghiệm, họ sẽ giúp các nhà băng Việt thay đổi cách thức quản lý và làm việc theo hướng tuân thủ nghiêm túc những quy tắc, chuẩn mực quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Cơ hội vẫn song hànhthách thức
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, M&A là biện pháp hữu hiệu giúp ngân hàng mở rộng thị trường, quy mô, nâng cao năng lực tài chính và hướng tới mục tiêu tăng trưởng tốt hơn.
Thực tế cho thấy, các ngân hàng đang có những điều kiện thuận lợi để thực hiện hoạt động M&A. Một trong những điều kiện thuận lợi ấy chính là các cơ chế, chính sách được Quốc hội, Chính phủ ban hành gần đây. Trong đó, Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là một minh chứng. Với những cơ chế về xử lý tài sản bảo đảm, Nghị quyết này có thể giúp ngân hàng tự giải quyết khó khăn, khắc phục những điểm yếu kém, đồng thời tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng.
Bên cạnh đó, “sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực fintech (công nghệ trong tài chính) đã tạo ra áp lực cạnh tranh với ngân hàng, nhưng cũng là cơ hội để ngân hàng thực hiện các hoạt động hợp tác, M&A trong thời gian tới” - Chuyên gia tài chính, ngân hàng Cấn Văn Lực nhận định.
Mặt khác, các chuyên gia cho rằng, M&A là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Do đó, các ngân hàng cần tận dụng thời cơ này để tìm kiếm đối tác, gia tăng tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực hoạt động, hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu theo chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, quá trình M&A cũng gặp không ít những khó khăn, bởi lẽ, việc tìm kiếm đối tác phù hợp về văn hóa, chiến lược kinh doanh, quản trị điều hành, công nghệ, cơ sở dữ liệu khách hàng… không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Đặc biệt, một khó khăn nữa đối với hoạt động M&A hiện nay chính là khâu định giá ngân hàng. Theo các chuyên gia, quy trình, thủ tục này ở Việt Nam còn chậm chạp, phải thực hiện qua nhiều khâu, nhiều bước. Bởi vậy, tới đây, cơ quan quản lý cần nghiên cứu, xây dựng những quy chuẩn cụ thể, làm cơ sở cho việc định giá ngân hàng.
Cũng theo các chuyên gia, để tạo thuận lợi hơn cho quá trình M&A, Chính phủ cần xem xét, nghiên cứu để có thể đưa ra những quy định mới thông thoáng hơn về nới room, điều kiện mua bán, thời gian chuyển nhượng cổ phần giữa ngân hàng với nhà đầu tư.
M&A mang lại nhiều lợi ích, nhưng để quá trình này diễn ra thành công, ngoài những điều kiện thuận lợi cần được thiết lập từ phía cơ quan quản lý, bản thân các ngân hàng cũng phải tự hoàn thiện mình bằng cách nâng cao năng lực quản trị điều hành, thực hiện công bố Báo cáo tài chính được kiểm toán theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đảm bảo sự minh bạch về thông tin, tạo cơ sở và niềm tin cho nhà đầu tư.
THÀNH ĐỨC
Theo Báo Kiểm toán số 16 ra ngày 19-4-2018