Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên tạo động lực tăng trưởng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:35, 13/12/2022
Nghị quyết nêu rõ, thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi.
Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; theo dõi sát, nắm chắc tình hình quốc tế, trong nước, phản ứng chính sách kịp thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, kỷ luật, kỷ cương hành chính; chủ động, tích cực giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra của năm 2022.
Xử lý nghiêm hành vi cản trở làm chậm tiến độ giao vốn
Chính phủ yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm công khai, minh bạch; xử lý nghiêm các vi phạm, hành vi cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục về đầu tư công; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy nhanh việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương ban hành đầy đủ các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu hoàn thành cao nhất tiến độ được giao trong năm 2022 bảo đảm hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an và các Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phối hợp chặt chẽ để có phương án xử lý phù hợp, kịp thời khi có những diễn biến phức tạp liên quan đến vấn đề giải quyết tiền gửi và trái phiếu doanh nghiệp... không để tác động đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bình ổn thị trường, giá cả những tháng cuối năm và dịp Tết
Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, nhất là trong những tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 để giữ ổn định thị trường, giá cả.
Tập trung chỉ đạo, khẩn trương tổ chức triển khai có kết quả Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 và Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.
Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tăng cường kiểm tra, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng trong việc thực hiện Kế hoạch về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, trong đó, tập trung các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hàng hóa giả nhãn hiệu, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm...; các loại hàng cấm như: ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn lậu, hàng giả, đầu cơ, tích trữ, găm hàng.
Ngân hàng nhà nước Việt Nam điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, thích ứng kịp thời với diễn biến tình hình trong và ngoài nước; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, cung cấp vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên tạo động lực tăng trưởng, trong đó có các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương trên cơ sở Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu Kết luận 45 - KL/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng, trình ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp tăng thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là từ thương mại điện tử, nền tảng số... và chống thất thu thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, chống trốn thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ theo quy định. Nghiên cứu việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành, trong đó có thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, nhiên liệu bay.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống theo quy định; tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023…/.