Kon Tum nỗ lực chấn chỉnh tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội

Xã hội - Ngày đăng : 09:56, 13/12/2022

Dù có số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) không lớn, song để tránh tình trạng nợ đóng kéo dài, dẫn đến khó thu hồi, BHXH tỉnh Kon Tum đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để chấn chỉnh tình trạng này.

Còn tình trạng chây ì, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Tính đến ngày 30/9, tổng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp toàn tỉnh là 41,25 tỷ đồng với 695 đơn vị, trong đó khối hành chính sự nghiệp có 251 đơn vị nợ 11,06 tỷ đồng, khối doanh nghiệp có 444 đơn vị nợ 30,19 tỷ đồng.

- BHXH tỉnh Kon Tum -

Lí giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng, BHXH tỉnh cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị sản xuất hoạt động đặc thù nên đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo mùa vụ, không kịp thời theo tháng, kéo theo lãi chậm nộp ngày càng tăng; một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh có số nợ lớn, thời gian nợ kéo dài, số nợ phát sinh hàng tháng lớn; một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ làm ăn thua lỗ kéo dài nên không có tiền trang trải các khoản phải chi như tiền lương, tiền đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BHTN; chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe các hành vi vi phạm, dẫn đến việc một bộ phận doanh nghiệp cố tình chiếm dụng quỹ BHXH phục vụ việc kinh doanh...

Riêng một số đơn vị hành chính, sự nghiệp nợ là do được giao tự chủ một phần ngân sách nên trong giai đoạn đầu năm thu không đủ bù chi, dẫn đến nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN.

Liên quan đến tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam - cho biết, tình hình chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT của các doanh nghiệp có diễn biến ngày càng phức tạp, tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài sẽ gây hệ luỵ tiêu cực rất lớn cho xã hội, đi ngược lại các mục tiêu trong chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. "Việc ngăn chặn, xử lý tình trạng nợ đọng từ sớm, kịp thời giúp cho cơ quan BHXH kiểm soát tốt hơn tình hình, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn" - ông Quảng nhấn mạnh. 

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, các chế tài xử lý hành vi nợ, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên thực tiễn áp dụng còn nhiều bất cập, khó thực thi dẫn đến chưa thể hiện triệt để tính pháp quyền đối với những hành vi này. Đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng nợ tại một số địa phương. 

Quyết liệt thực hiện các giải pháp để giảm nợ đọng

Trước thực tế nợ đọng trong lĩnh vực BHXH có nguy cơ gia tăng, BHXH tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh thu số phát sinh đảm bảo tiến độ theo tháng đúng quy định; tăng cường các giải pháp thu hồi nợ đọng, quyết tâm kéo giảm tỷ lệ nợ... 

Theo đó, BHXH tỉnh đã thành lập các Tổ thu nợ tại BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thành phố để trực tiếp bám sát đơn vị đôn đốc thu, cùng đơn vị chung tay tháo gỡ khó khăn để việc thu nộp BHXH, BHYT, BHTN được diễn ra thông suốt; rà soát, chia nhóm các đơn vị nợ đọng tương đồng về tính chất nợ để có biện pháp tương thích trong việc đôn đốc thu số phát sinh và thu hồi nợ đọng; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về thu BHXH để hỗ trợ công tác thu; cung cấp thông tin các đơn vị vi phạm cho các cơ quan truyền thông để tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức tích cực của chủ sử dụng lao động; rà soát, thống kê báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN...

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, qua đó giúp giảm tình trạng nợ đọng. Theo ông Quảng, cần thiết phải nâng cao hiểu biết về nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của cả người sử dụng lao động và người lao động bằng các hình thức tuyên truyền phổ biến, gần gũi, thiết thực. Bởi người lao động hiểu biết chế độ chính sách thì họ tự bảo vệ quyền lợi của mình ngay từ đầu.

Ngoài ra, đối với tổ chức công đoàn, bên cạnh các nhiệm vụ được quy định tại Điều 14 của Luật BHXH, công đoàn cần tiếp tục quan tâm tới việc tuyên truyền tới người lao động, giám sát, phát hiện, kiến nghị kịp thời các hành vi nợ, trốn, chậm đóng BHXH của chủ doanh nghiệp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người lao động - ông Quảng cho biết thêm.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng như đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trong tổ chức thực hiện chính sách thì cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, kể cả áp dụng các biện pháp hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

N.LỘC