Ngành kế toán: Dư thừa nhân lực nhưng vẫn tăng chỉ tiêu đào tạo

Xã hội - Ngày đăng : 14:50, 23/04/2018

(BKTO) - Theo phương án tuyển sinh năm 2018, không ít trường đại học, học viện (gọi chung là trường) có chuyên ngành đào tạo kế toán vẫn tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho chuyên ngành này. Trước thực tế đó, nhiều chuyên gia cho rằng, các trường cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy để tránh rủi ro cho người học khi tìm kiếm việc làm.


Đua nhau tăng tuyển sinh ngành kế toán

Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 200 trường đào tạo ngành kế toán, kiểm toán. Đáng lưu ý, vài năm gần đây, dù các thống kê cho thấy ngành này đang dư thừa nhân lực song các trường vẫn công bố mức chỉ tiêu tuyển sinh cao.

Cụ thể, năm nay, Trường Đại học (ĐH) Tài chính - Ngân hàng Hà Nội dự kiến tuyển sinh 300 chỉ tiêu ngành kế toán, trong khi ngành kiểm toán là 50 chỉ tiêu. Trường ĐH Tài chính - Kế toán tuyển sinh 340 chỉ tiêu đối với ngành kế toán, 130 chỉ tiêu đối với ngành kiểm toán. Đặc biệt, nhiều trường dù không tuyển sinh mới đối với ngành kiểm toán song vẫn tăng quy mô tuyển sinh đối với ngành kế toán. Điển hình là Học viện Tài chính dự kiến tuyển 1.400 chỉ tiêu (năm 2017 là 1.250 chỉ tiêu), Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tuyển 400 chỉ tiêu, ĐH Thương mại tuyển sinh gần 300 chỉ tiêu… So với năm ngoái, mức chỉ tiêu này được dự báo là tăng khoảng 10%.

Đáng lưu ý, trong mùa tuyển sinh năm nay, bên cạnh những trường có tên tuổi trong đào tạo ngành kế toán vẫn giữ nguyên phương án tuyển sinh của năm ngoái, nhiều trường khác lại gây sự chú ý khi đưa tổ hợp văn, sử, địa, hoặc văn, sử, giáo dục công dân vào xét tuyển cho ngành kế toán, kiểm toán. Trong đó, phải kể đến các trường: ĐH Hùng Vương TP.HCM, ĐH Công nghệ Đồng Nai, ĐH Bình Dương…

Thí sinh nghe tư vấn tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Kang Trần

Trước tình trạng được cho là “tréo ngoe” này, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho rằng, mặc dù phương thức tuyển sinh là do các trường được quyền quyết định nhưng “các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo”.

Các chuyên gia giáo dục cũng nhìn nhận: Việc các trường sử dụng nhiều tổ hợp môn khác nhau để tuyển sinh sẽ mở rộng cơ hội lựa chọn ngành cho các thí sinh. Tuy nhiên, các thí sinh cũng cần cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển bởi sự khác biệt giữa tính chất ngành học và tổ hợp môn thi có thể khiến các em gặp khó trong quá trình học tập.

TS. Văn Đình Ưng (Hiệp hội Các trường ĐH, Cao đẳng Việt Nam) thẳng thắn cho rằng, đây là cách làm “vơ bèo vạt tép” nhằm thu hút thí sinh bằng mọi giá mà không lường hết hậu quả. “Việc làm này càng đẩy thêm khó khăn cho người học kế toán sau khi ra trường. Bộ GD&ĐT cần can thiệp, các trường phổ thông cần định hướng cho thí sinh để tránh rủi ro đáng tiếc cho các em sau này” - TS. Ưng cảnh báo.

Cần đổi mới chương trình đào tạo, giảng dạy

Theo thông tin của Bộ GD&ĐT công bố từ năm 2016, ngành kế toán, kiểm toán luôn nằm trong tình trạng báo động đỏ về dư thừa nhân lực và sẽ còn dư thừa trong nhiều năm nữa. Tuy nhiên, lý giải việc quy mô, chỉ tiêu tuyển sinh ngành này không giảm mà tiếp tục tăng, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định: Đây là quyền tự chủ trong tuyển sinh của các trường, Bộ chỉ can thiệp khi trường vi phạm quy chế tuyển sinh.

Nhìn nhận ở góc độ khác, TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III (KTNN) cho rằng, vấn đề dư thừa lao động của ngành kế toán cần được hiểu đúng bản chất. Lao động ngành này đang thừa số lượng, nhưng lại thiếu trầm trọng nguồn nhân lực có chất lượng, đặc biệt là chất lượng cao. Hơn nữa, thị trường cho ngành nghề này rất rộng, người học có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực như: tư vấn tài chính, thuế… Đây là những loại hình dịch vụ rất phổ biến trên thế giới, song còn mới mẻ ở Việt Nam.

Đặc biệt, cùng với quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, nhu cầu nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán có chất lượng tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Do đó, các trường cần chủ động trong việc xác định, điều chỉnh quy mô tuyển sinh dưới sự giám sát, quản lý của Bộ GD&ĐT. “Vấn đề quan trọng hơn cả là cần đổi mới công tác giảng dạy để người học được tiếp cận, nắm bắt với thực tế công việc nhiều hơn” - TS. Thăng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS. Nguyễn Hữu Ánh (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, nguyên nhân khiến sinh viên tốt nghiệp ngành này vẫn gặp khó khăn khi tìm việc là do các trường chưa xây dựng được chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế. Do đó, để thị trường không còn tình trạng thừa lao động nhưng vẫn thiếu nhân lực chất lượng cao, “ngành kế toán cần có sự hội nhập về chương trình đào tạo, tiến tới công nhận bằng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế” - PGS.TS. Nguyễn Hữu Ánh nói.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 16 ra ngày 19-4-2018