Phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Hải Dương có nhiều tiềm năng đem lại đột phá

Địa phương - Ngày đăng : 07:05, 14/12/2022

(BKTO) - Hải Dương có nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ như lợi thế về địa hình, khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng; tập quán sản xuất và canh tác… Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng phát triển bền vững được ngành nông nghiệp Hải Dương thực hiện nhằm tạo sản phẩm an toàn, giá trị cao, hài hòa với môi trường sinh thái.

Hải Dương có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp hữu cơ

z3956731904922_2f9547a0665ef2ea25aa0a1848fe371e.jpg
Một trang trại sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VIETGAP tại Hải Dương. Ảnh Khánh Linh.

Nông nghiệp vốn được xem là một lợi thế của tỉnh Hải Dương với các sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng, sản lượng cao.
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương hiện nay đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thông minh và hữu cơ.

Hải Dương hiện đang duy trì khoảng 75.000 ha đất nông nghiệp trong đó có khoảng 56.000 ha đất trồng lúa, gần 10.000 ha vải thiều và các cây loại ăn quả khác. Ngành nông nghiệp đang có những thay đổi khi ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất và quản lý để hỗ trợ, khắc phục được những bất cập của tính mùa vụ. Đồng thời mở ra lợi thế sản xuất, tiêu thụ để nâng cao cạnh tranh của sản phẩm.

Theo thống kê, hàng năm, Hải Dương sản xuất khoảng 750.000 tấn lúa gạo, 700.000 tấn rau củ các loại, 300.000 tấn quả và khoảng 200.000 tấn thịt gia súc, gia cầm và thủy sản. Đặc biệt, tỉnh được xem là vựa rau của miền Bắc với sản lượng rau các loại đạt gần 1 triệu tấn/năm.

Toàn tỉnh hiện có trên 15.500 ha rau sản xuất theo quy trình GAP, trên 5.000 ha rau được sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu; có 1.500 ha rau, trái cây được cấp chứng nhận theo quy trình VietGAP.

Các sản phẩm sản xuất theo quy trình GAP đã phát huy hiệu quả, vượt cả về năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế. Nhiều sản phẩm có chất lượng cao, đủ điều kiện để xuất khẩu sang các nước “khó tính” Nhật Bản, Mỹ, Úc, Hàn Quốc như: vải, cà rốt, ...

Tuy nhiên, đa số các mô hình nông nghiệp hữu cơ ở Hải Dương đều có quy mô nhỏ và chủ yếu tự phát. Chính vì vậy, để phát huy hiệu quả bền vững của nông nghiệp hữu cơ, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành với những chính sách hỗ trợ thiết thực, thì mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ năm 2017, anh Mai Xuân Thịnh, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ HD Green ở thị trấn Gia Lộc, Hải Dương đã đầu tư hơn 6ha rau theo hướng hữu cơ. Theo anh Thịnh, nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế khi mức sống của người dân ngày càng cao và chú trọng hơn tới sức khỏe. Nắm bắt được xu hướng, anh đã mạnh dạn đầu tư, biến khu đất bỏ trống thành trang trại rau hữu cơ tiền tỷ. Các sản phẩm của anh được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng tới hữu cơ nên đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Không chỉ dừng ở những sản phẩm bán tươi, thời gian tới, HD Green còn phát triển những sản phẩm chuyên sâu mang lại giá trị cao như các sản phẩm đóng gói sẵn và có thể tiến tới xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của anh Thịnh, nông nghiệp hữu cơ cũng đang đối mặt với các vấn đề khó khăn như: sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ mới dừng lại ở dạng mô hình, quy mô nhỏ lẻ và đang gặp khó khăn để chuyển đổi sang quy mô hàng hóa.

Mặt khác, sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ khó nhân rộng do vốn đầu tư hạ tầng sản xuất ban đầu khá lớn. Các sản phẩm hữu cơ chưa đa dạng, quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch cơ bản bằng biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học, mất nhiều công lao động, nên giá thành sản phẩm thường cao, dẫn đến thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn …

Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ

Việc phát triển sản xuất bền vững, sản xuất sạch, hữu cơ theo hướng sản xuất hàng hóa đang là yêu cầu sống còn đối với kinh tế nông nghiệp, nhất là trong tình trạng môi trường sống, môi trường sản xuất ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng như hiện nay.

Giai đoạn 2022-2025, tỉnh Hải Dương phấn đấu giá trị sản xuất đất trồng trọt và nuôi thủy sản đạt 210 triệu đồng/ha. Để thực hiện được điều này, ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương xác định thực hiện cơ cấu lại theo định hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ; thực hiện đổi mới phương thức tổ chức sản xuất; đổi mới chất lượng sản phẩm theo hướng tiêu chuẩn; nghiên cứu thị trường tiêu thụ; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới về khoa học - công nghệ, chuyển đổi số...

Tỉnh Hải Dương đã và đang tập trung thu hút đầu tư vào nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sạch. Khuyến khích hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác trên cơ sở liên kết, liên minh giữa các hộ, các trang trại bằng nhiều hình thức, nhiều cấp độ để nâng cao hiệu quả kinh tế. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ giống, vốn, vật tư cho nông dân để thuận lợi trong quy hoạch vùng sản xuất và khuyến khích người dân tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

z3956731952749_5a3585dfa242b49524964d56df5f772f.jpg
Vườn trồng rau cải hữu cơ trong nhà màng sử dụng phân bón hữu cơ và có hệ thống tưới tiêu tự động công nghệ 4.0 . Ảnh Khánh Linh.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Tăng cường nguồn vốn đầu tư cho các chương trình khuyến nông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, vận chuyển nông sản. Khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp bao tiêu đảm bảo đầu ra cho sản phẩm ...

Được biết, thực hiện Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, trong năm 2022, tỉnh Hải Dương sẽ hỗ trợ 12 cơ sở nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số. 

Các cơ sở này sẽ được hỗ trợ kinh phí mua trang thiết bị để sử dụng nền tảng kỹ thuật số trong điều hành sản xuất, hệ thống điều khiển từ xa, nước tưới tự động, hệ thống dự báo, cảnh báo dịch hại... Các cơ sở được hỗ trợ là các nhà màng, nhà lưới có quy mô tối thiểu 3.000 m2 để sản xuất rau thủy canh, dưa lưới, dưa thơm, cây giống… cho giá trị kinh tế cao.

z3956731877273_539950b0e955399fe6dc938aa98f730a.jpg
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ "Muối vừng dinh dưỡng" được chứng nhận OCOP
và bày bán tại các cửa hàng, siêu thị lớn.   Ảnh Khánh Linh.

Khuyến khích các cửa hàng, siêu thị thu mua sản phẩm để sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ phát triển ổn định. Thực hiện xúc tiến thương mại, thông qua các kênh thông tin, triển lãm, các hội chợ... để quảng bá thương hiệu hàng nông sản sạch, hữu cơ. Tăng cường mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ở các vùng, miền khác trong nước và đặc biệt là việc tìm hiểu, kết nối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nông dân xuất khẩu nông sản sạch, hữu cơ ra nước ngoài. Quan tâm phát triển sản phẩm nông nghiệp có tính đặc trưng, đặc sản vùng miền theo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.

Thời gian tới, Hải Dương sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; giúp các địa phương tiếp cận và ứng dụng công nghệ sản xuất mới, trình độ quản lý tiên tiến, nhất là trong hình thành mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng công nghệ số.

Đồng thời, Hải Dương sẽ tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu không chỉ giúp nâng cao giá trị dinh dưỡng cho người tiêu dùng mà hơn hết là gắn sản phẩm nông sản với nâng cao giá trị văn hóa, lịch sử, thông qua hình thức du lịch trải nghiệm. Từ đó tạo ra giá trị mới cho sản xuất nông nghiệp, cho người nông dân, hướng tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bền vững hơn.

KHÁNH LINH