Hải Dương: Đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển toàn diện và bền vững
Địa phương - Ngày đăng : 20:45, 13/12/2022
Kết quả đáng ghi nhận từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị
Với quan điểm nâng cao chất lượng phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã quan tâm chỉ đạo, triển khai các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh phát triển các dịch vụ chuyển đổi số.
Nhờ đó, chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể bước đầu đã mang lại kết quả tích cực. Các thủ tục hành chính công và văn bản quản lý điều hành được kết nối liên thông từ tỉnh tới các xã, phường, thị trấn, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng, thuận tiện; giúp nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành, dần đưa Hải Dương trở thành tỉnh phát triển đồng bộ về chính quyền điện tử, doanh nghiệp điện tử và công dân điện tử.
Hiện nay, 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng kho cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Trong đó, 100% các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã đã xây dựng mạng nội bộ (LAN) kết nối các phòng ban, đơn vị và đã được cấp, sử dụng chứng thư số. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp được triển khai đồng bộ và liên thông 4 cấp gắn với việc sử dụng hộp thư điện tử công vụ và chữ ký số.
Toàn tỉnh hiện có gần 60 trang tin điện tử của các cơ quan nhà nước, tất cả đều được tích hợp vào Cổng thông tin điện tử của tỉnh theo mô hình “Chính phủ điện tử” với 100% dịch vụ hành chính công trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh ở mức độ 2 và 3, nhiều dịch vụ đã chuyển sang mức độ 4.
Nhằm hiện đại hóa công tác quản lý, đảm bảo sự chính xác, kịp thời trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, Hệ thống Cổng Dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã được liên kết, tạo lập thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Hiện Hệ thống đang cung cấp 1.962 dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; đồng thời tích hợp được 565 dịch vụ công mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Về cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông, đến nay, hạ tầng truyền dẫn quang đã phủ khắp toàn tỉnh, tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 3G, 4G đã đạt 100% xã, phường, thị trấn, qua đó đảm bảo tốt việc cung cấp các dịch vụ về viễn thông và internet chất lượng với nhiều loại hình phong phú, đa dạng phục vụ khách hàng và các doanh nghiệp.
Đặc biệt, website Smart Hải Dương đã có khoảng 150.000 người đăng ký và sử dụng thường xuyên. Đây là bước đầu khả quan để tăng cường sự tương tác của nhân dân với các cơ quan, đơn vị trong hoạt động quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để công dân đối thoại với chính quyền, tham gia xây dựng và triển khai các chính sách, giải pháp, dịch vụ tại địa phương.
Tỉnh Hải Dương cũng thể hiện quyết tâm lớn trong lộ trình chuyển đổi số bằng việc đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát, điều hành thông minh IOC của tỉnh. Đây là nơi tập trung thực hiện việc giám sát, tích hợp, thu thập và xử lý các hệ thống thông tin đã được thiết lập trong từng ngành, từng lĩnh vực để tổng hợp, phân tích, xử lý các dữ liệu, hỗ trợ lãnh đạo tỉnh trong công tác ra quyết định, giám sát, chỉ đạo và điều hành các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, Hải Dương đã phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám bệnh, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí, hình thành bệnh viện thông minh; phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình...
Điểm nổi bật trong việc áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất của tỉnh Hải Dương chính là nền nông nghiệp được đầu tư công nghệ cao, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị nông sản.
Tính đến ngày 19/9, trên địa bàn tỉnh có 108.983 hộ sản xuất nông nghiệp đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, 157.566 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, 1.544 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn thương mại điện tử. Số giao dịch trên sàn thương mại điện tử là 30.473, xếp thứ 7 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố. Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đã giúp tỉnh Hải Dương tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm đặc sản của các địa phương trong tỉnh.
Ngoài ra, nông dân Hải Dương đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, đầu tư các thiết bị thông minh để giám sát quy trình chăm sóc vùng nguyên liệu tập trung, triển khai các mô hình trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap cho năng suất, chất lượng ngày càng vượt trội. Đồng thời, thực hiện gắn tem, mác truy xuất nguồn gốc bằng mã QR để người tiêu dùng có thể kiểm chứng chất lượng, quá trình sản xuất theo thời gian thực, qua đó nâng cao giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp của tỉnh.
Để chuyển đổi số trở thành “đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội
Nghị quyết chuyển đổi số của tỉnh Hải Dương đề ra mục tiêu xây dựng đồng bộ 3 trụ cột gồm: Chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số, để hướng tới mục tiêu mỗi người dân là một công dân số.
Trong đó, Hải Dương phấn đấu đến năm 2025 sẽ thuộc nhóm 20 tỉnh/thành phố đi đầu, đến năm 2030 thuộc nhóm 15 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đặc biệt, đến năm 2025, chuyển đổi số đưa Hải Dương trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại; đến năm 2030 trở thành tỉnh hiện đại.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Hải Dương xác định tích cực nắm bắt các cơ hội phát triển, khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá dữ liệu, triển khai các giải pháp phần mềm liên thông, liên kết, biến chuyển đổi số trở thành ngày hội của toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm.
Đồng thời, tiếp tục triển khai các dự án thành phần thuộc Đề án “Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp và nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực, từng bước hoàn thiện hạ tầng số cho xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh, phát triển kinh tế số và xã hội số, đưa chuyển đổi số trở thành “đòn bẩy” quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Cùng với đó, triển khai nền tảng chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và của tỉnh; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, người dân về triển khai thực hiện chuyển đổi số, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Song song với đó, quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức sử dụng Hệ thống dịch vụ công trực tuyến - một cửa điện tử trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân; trong đó 100% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, cập nhật vào Hệ thống…/.