Bất cập trong xây dựng luật nhìn từ Bộ luật Hình sự: Khi “giọt nước tràn ly”
Xã hội - Ngày đăng : 14:30, 07/07/2016
(BKTO)- Bộ luậtHình sự năm 2015 phải hoãn thi hành với lý do còn quá nhiều sai sót đang đượccho là “giọt nước tràn ly” của những bất cập trong công tác xây dựng luật hiệnnay. Đổi mới, chuyên nghiệp hóa hoạt động lập pháp của Quốc hội, chấm dứt tìnhtrạng cắt khúc trong xây dựng luật là thông điệp mạnh mẽ được nhiều chuyên giapháp luật nhấn mạnh sau sự việc này.
Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều sai sót, gây khó khăn khi áp dụng,dễ bỏ lọt tội phạm cũng như gây oan sai.Ảnh: TK
Ngày 30/6, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Nghị quyết về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự và các luật có liên quan được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7.
Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, qua kiểm tra bước đầu cho thấy, Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều sai sót, phát hiện khoảng 90 lỗi. Mặc dù không sai quan điểm, chủ trương, đường lối, nhưng gây khó khăn khi áp dụng, dễ bỏ lọt tội phạm cũng như gây oan sai. Cùng với việc phải chỉnh sửa luật, các vấn đề liên quan cũng phải khắc phục, như việc thu hồi một lượng không nhỏ các văn bản pháp luật đã được in thành sách, phải khắc phục những thiệt hại liên quan và lại tiếp tục phát sinh những chi phí tốn kém trong nhiều khâu xây dựng, tuyên truyền... Tuy nhiên, việc lùi hiệu lực thi hành khi còn quá nhiều sai sót là cần thiết và nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, nghiêm minh của pháp luật. Việc phân tích, chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những sai sót trong Bộ luật nói riêng và công tác xây dựng pháp luật nói chung là việc cần làm tiếp theo để tránh những lỗi tương tự.
Không giấu nổi sự thất vọng khi một Bộ luật quan trọng bị hoãn triển khai, chuyên gia Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN cho rằng, đây là mộtsự cố hy hữu, chưa từng có tronglịch sử lập pháp. “Bộ luật này được phát hiện nhiều sai sót, trong đó có nhiềusai sót nghiêm trọng, nếu thi hành sẽ gây xáo trộn xã hội và gây hậu quả nghiêm trọng. Việc dừng thi hành luật là cần thiết và kịp thời” - ông Hạnh nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, việc xây dựng, ban hành luật hiện được chia thành hai giai đoạn tách rời nhau: ban soạn thảo trình dự thảo luật để Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất, sau đó Quốc hội chuyển dự thảo cho Ủy ban của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý thì nhiều khi quan điểm các Ủy ban của Quốc hội với ban soạn thảo trước đó lại khác nhau. Từ đó cấu trúc của Bộ luật bị phá vỡ, phát sinh sự thiếu thống nhất, mâu thuẫn là điều tất yếu. Đó là chưa kể thời gian làm luật lại gấp rút, bộ máy giúp việc làm luật tại các ủy ban của Quốc hội mỏng cả về số lượng và về trình độ, năng lực.
Bỏ tình trạng cắt khúc trong xây dựng luật
Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, sự việc lần này là một bài học cần thiết để các cơ quan lập pháp nhìn thẳng vào sự thật, từ đó có hướng khắc phục triệt để. Yêu cầu tăng cường hoạt động lập pháp của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp hơn, toàn diện hơn, PGS.TS Hoàng Thế Liên - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh: Quốc hội không chỉ dừng lại ở hoạt động thẩm tra, thảo luận và biểu quyết thông qua các dự án luật như hiện nay mà Quốc hội cần phải tham gia vào quá trình soạn thảo luật, phải cùng góp sức trực tiếp vào việc viết nên các dự án luật.
Còn theo luật sư Trương Thanh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cần tăng cường đội ngũ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách am tường chuyên môn nghiệp vụ về nhiều vấn đề của cuộc sống, trong đó phải đảm bảo một đội ngũ có chuyên môn sâu về luật pháp để giữ vai trò thẩm định các dự thảo luật trước khi được đưa ra Quốc hội thảo luận và thông qua. Bên cạnh đó, Quốc hội cần đặt hàng cho các đội ngũ chuyên môn giỏi luật viết dự thảo luật, như đặt hàng các chuyên gia hàng đầu tại các trường, viện nghiên cứu uy tín... Các cơ quan nhà nước không phải là người đứng ra viết dự thảo mà là cơ quan kiểm tra, thẩm định các sản phẩm dự thảo luật.
Xóa bỏ tình trạng cắt khúc trong xây dựng luật là giải pháp cần thiết lúc này để sớm chấm dứt những sai sót trong xây dựng luật như vừa qua. Khi làm luật, nên chăng cơ quan nào soạn thảo từ đầu thì theo đến cùng, ủy ban của Quốc hội thẩm định và sau đó Quốc hội chỉ thảo luận, phản biện chính sách pháp luật - PGS.TS Trần Văn Độ đề xuất.
Đây cũng là vấn đề từng được nhiều ĐBQH khóa XIII quan tâm đặt ra. Theo ông Huỳnh Nghĩa - nguyên Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng khóa XIII, tại nhiều phiên họp về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, ông và nhiều ĐBQH đã cảnh báo về tình trạng cắt khúc trong xây dựng pháp luật, nhưng để thay đổi cơ chế làm luật hiện hành không phải là chuyện một sớm một chiều. Chưa kể, theo ông Nghĩa, tình trạng cùng lúc tồn tại hệ thống pháp luật nhiều tầng nấc, nhiều cấp độ văn bản quy phạm pháp luật khác nhau cũng đang là một thách thức trong việc nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay.
NGUYỄN LỘC