Đề nghị tiếp tục sử dụng giấy lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa kịp gia hạn
Đối nội - Ngày đăng : 21:27, 14/12/2022
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 18, cuối phiên họp sáng 14/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế.
Đánh giá sâu rộng hơn tác động của Nghị quyết số 30
Trình bày Báo cáo thẩm tra việc việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, việc Quốc hội kịp thời ban hành Nghị quyết 30 là sáng kiến lập pháp vô cùng quan trọng của Quốc hội và Chính phủ.
Nghị quyết 30 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt; chủ động, sáng tạo, linh hoạt đề xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết.
Việc ban hành Nghị quyết 30 được nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ, củng cố niềm tin với những quyết sách phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Từ khi được ban hành, Nghị quyết 30 được triển khai khẩn trương cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác nhằm kiểm soát dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia...
Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ đánh giá sâu và rộng hơn để thấy tác động của Nghị quyết 30 đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đến ổn định kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong đại dịch và là tiền đề để phục hồi kinh tế - xã hội hậu đại dịch; bổ sung và rà soát số liệu để bảo đảm thống nhất, nhất là số liệu về nguồn lực dành cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; đánh giá nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và có giải pháp thực hiện cho giai đoạn tới; bổ sung bài học kinh nghiệm rút ra qua quá trình phòng chống đại dịch Covid-19 để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện.
Tập trung khắc phục vấn đề tồn đọng hồ sơ gia hạn thuốc
Về các kiến nghị của Chính phủ đối với Quốc hội, UBTVQH, Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí với kiến nghị về việc đưa các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch khi kết thúc việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết 30 vào Nghị quyết kỳ họp tới của Quốc hội, đề nghị Quốc hội ghi nhận các kết quả đã triển khai thực hiện trong thời gian qua và kết thúc thời hạn hiệu lực của các chính sách này đến hết ngày 31/12/2022 theo đúng quy định của Nghị quyết 30.
Về kiến nghị liên quan đến việc cho phép tiếp tục tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bà Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết của việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược, nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, ảnh hưởng tới công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; đồng thời thể hiện sự chia sẻ, đồng hành của Quốc hội với Chính phủ, Bộ Y tế, với những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ, chăm sóc nhân dân và thể hiện nội dung này tại nghị quyết kỳ họp của Quốc hội.
“Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt để khắc phục tình trạng tồn đọng hồ sơ gia hạn thuốc. Đề nghị Chính phủ đánh giá đúng bản chất các nguyên nhân và tập trung giải quyết các vấn đề nội tại, tăng cường năng lực cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời giải quyết các hồ sơ gia hạn đăng ký lưu hành thuốc; đánh giá kỹ lưỡng nguồn lực thực hiện để bảo đảm không lặp lại tình trạng tồn đọng một lượng lớn hồ sơ gia hạn thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa được giải quyết như hiện nay” - bà Nguyễn Thuý Anh nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, đây là vấn đề rất cấp bách, không giải quyết không được, nhưng Chính phủ phải làm rõ hơn tính trách nhiệm, vì đây là vấn đề đã tồn tại từ năm 2019, như báo cáo là đã có hơn 10.000 loại thuốc bị chậm và tình trạng này trầm trọng hơn trong giai đoạn Covid-19.
Đồng thời, ông Tùng đề nghị cần khẩn trương nghiên cứu sửa đổi Luật Dược, cố gắng rút ngắn thời hạn cho phép gia hạn, càng ngắn càng tốt, đảm bảo tính khả thi và chặt chẽ về mặt pháp lý.
Sau khi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện Báo cáo, trên cơ sở ý kiến của UBTVQH. Đối với nội dung đề xuất việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn, hiệu lực, UBTVQH cơ bản nhất trí với sự cần thiết của đề xuất nhằm giải quyết tồn đọng, xử lý hồ sơ gia hạn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định./.