Nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội
Đối nội - Ngày đăng : 21:22, 14/12/2022
Báo cáo tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, đồng thời cụ thể hóa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của UBTVQH trong hướng dẫn hoạt động, nâng cao năng lực cho đại biểu Quốc hội, việc ban hành Nghị quyết của UBTVQH kèm theo Quy chế về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội là cần thiết.
Mục đích của Nghị quyết nhằm xây dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, khả thi về hoạt động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu Quốc hội; đưa công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội đi vào nề nếp, chuyên nghiệp, hiệu quả; xác định nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực để đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội; xác định quyền và trách nhiệm tham gia bồi dưỡng.
Đề cập về một số nội dung chính của Quy chế, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Quy chế quy định đại biểu Quốc hội có quyền tham gia bồi dưỡng, chủ động đăng ký dự các chương trình bồi dưỡng; phản ánh nhu cầu, đề xuất nội dung, phương thức, thời gian bồi dưỡng; quyền được phục vụ với các lựa chọn khác nhau; được coi số ngày tham gia các hoạt động bồi dưỡng là thời gian thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.
Ban Công tác đại biểu đề xuất, thời gian bồi dưỡng tối thiểu hàng năm đối với đại biểu Quốc hội lần đầu tham gia Quốc hội là 6 ngày trong năm thứ nhất; 9 ngày trong năm thứ hai và 6 ngày/năm trong những năm tiếp theo. Đối với đại biểu Quốc hội tái cử, thời gian bồi dưỡng tối thiểu là 6 ngày mỗi năm.
Cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Quy chế với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Ban Công tác đại biểu.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, việc quy định thời gian bắt buộc tham gia hoạt động bồi dưỡng đối với đại biểu Quốc hội là vấn đề cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để bảo đảm tính khả thi.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu Quốc hội bố trí thời gian, sắp xếp công việc tham dự đầy đủ vào hoạt động bồi dưỡng, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý quy định này theo hướng linh hoạt, mềm dẻo hơn, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của đại biểu Quốc hội cũng như nội dung, phương thức của từng hoạt động bồi dưỡng; có thể quy định đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia bồi dưỡng tối thiểu là 03 ngày mỗi năm, trường hợp không thể tham gia đầy đủ thời gian bồi dưỡng trực tiếp thì có thể được cung cấp các hình thức bồi dưỡng khác.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là lần đầu tiên có Quy chế về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội.
Khẳng định Quốc hội rất quan tâm đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trình độ của các đại biểu Quốc hội là khác nhau, chuyên ngành khác nhau, các đại biểu tham gia lần đầu cũng có khác biệt với đại biểu tái cử. Từ những đặc điểm đó, cần thiết kế chương trình phù hợp với nhóm đối tượng như nội dung chuyên đề về nhà nước và pháp luật, chuyên đề sâu về Quốc hội, quy trình ngân sách, vấn đề đầu tư công…
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc lựa chọn báo cáo viên trong đào tạo, bồi dưỡng, phương pháp đào tạo và việc tổ chức quản lý hoạt động này. Bên cạnh đó, cần tập trung bồi dưỡng theo nhóm đại biểu như đại biểu chuyên trách địa phương, đại biểu tham gia lần đầu.
Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn chính quy hoạt động bồi dưỡng, đào tạo, có bộ tài liệu chính thống; gắn kỷ luật, kỷ cương trong đào tạo, bồi dưỡng, phải có quyết định triệu tập, có chứng nhận…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị đổi tên Quy chế về việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội thành Quy chế về nâng cao năng lực của đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần tập trung bồi dưỡng các nội dung chuyên sâu về những kiến thức mới liên quan đến đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, của các đại biểu Quốc hội; những kỹ năng thích ứng, giải quyết tình huống, xử lý vấn đề, tập trung hướng đến bàn về giải pháp, tìm phương hướng giải quyết. Đồng thời, cần có cách thức tổ chức bồi dưỡng phù hợp với từng nhóm đại biểu, từng loại hình nội dung cụ thể.
*Cũng trong phiên làm việc chiều 14/12, UBTVQH đã cho ý kiến về Chương trình công tác năm 2023 của UBTVQH; đồng thời, xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.