Kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 2 tỷ USD
Kinh tế - Ngày đăng : 07:55, 15/12/2022
Với chủ đề “Vươn ra biển lớn”, lễ hội cá tra lần đầu tiên được tổ chức dưới sự phối hợp của UBND tỉnh Đồng Tháp và Bộ NN&PTNT. Lễ hội diễn ra từ ngày 16-17/12 tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Sự kiện sẽ thu hút khoảng 50.000 người tham dự là các đối tác ngành hàng cá tra, khách du lịch trong nước và quốc tế.
Theo Bộ NN&PTNT, sở dĩ chọn cá tra là mặt hàng được tổ chức lễ hội lần đầu tiên tại Việt Nam bởi đây là loài thủy sản đặc hữu có giá trị kinh tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và là sản phẩm quốc gia, được đưa vào chương trình tái cơ cấu nông nghiệp. Với lợi thế tuyệt đối về điều kiện tự nhiên vùng sông nước Cửu Long, ngành hàng cá tra đang không ngừng phát triển và hiện đã trở thành ngành công nghiệp cá tra nổi tiếng toàn cầu với sản lượng hàng năm trên 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động.
Xuất khẩu cá tra Việt Nam tính đến hết tháng 11/2022 đạt 2,3 tỷ USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính đến hết năm, xuất khẩu cá tra đạt khoảng 2,5 tỷ USD.
- Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam -
Điểm nhấn tại Lễ hội cá tra lần thứ nhất năm 2022 là các hoạt động trải nghiệm như: Không gian cá tra và loài cá nói chung trong văn hóa Việt Nam và thế giới; Thưởng thức biểu diễn ẩm thực đặc sắc từ cá tra; Hội thi ẩm thực từ cá tra; Tham quan vùng nuôi và nhà máy chế biến cá tra. Theo Ban tổ chức, không chỉ tập trung vào các hoạt động giải trí, Lễ hội còn là nơi tôn vinh những cá nhân, đơn vị, tổ chức có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành hàng cá tra, hoạt động vì cộng đồng,…
Trong khuôn khổ Lễ hội còn diễn ra các diễn đàn, hội thảo như Hội nghị tổng kết ngành cá tra Việt Nam năm 2022, Hội nghị chuỗi nuôi trồng, tiêu thụ, ký kết hợp tác và Tọa đàm ngành Khuyến nông Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, để phát triển bền vững ngành hàng cá tra cần nhiều giải pháp đồng bộ, từ việc liên kết, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng, đến quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở chế biến; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; dự báo cung cầu; đa dạng hóa sản phẩm để gia tăng giá trị; sử dụng hiệu quả phụ phẩm; phát triển thương mại điện tử và kinh tế tuần hoàn; xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ (nội địa và xuất khẩu). Đặc biệt, phải tập trung nâng cao chất lượng con giống, chất lượng di truyền về một số tính trạng liên quan đến tăng trưởng, kháng bệnh, chịu mặn…, tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, chất lượng và an toàn thực phẩm của các sản phẩm./.