Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Bảo đảm thể chế đúng, đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng
Đối nội - Ngày đăng : 20:32, 15/12/2022
Tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Phát biểu tại lễ ký Quy chế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua, công tác phối hợp giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Nội chính Trung ương đã không ngừng được tăng cường, góp phần quan trọng trong công tác tham mưu của hai cơ quan giúp Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương về các lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Theo Chủ tịch Quốc hội, những thành tựu quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nội chính và cải cách tư pháp thời gian qua có công sức đóng góp không nhỏ của hai cơ quan.
"Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã đề ra rất nhiều giải pháp trọng tâm, tập trung vào công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp. Đảng đoàn Quốc hội và Ban Nội chính Trung ương - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao đã tham mưu, triển khai thực hiện và lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật của Nhà nước để thực hiện" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Điểm lại công tác phối hợp giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Nội chính Trung ương, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong nhiệm kỳ Khóa XV, Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Kết luận số 19-KL/TW về Định hướng chương trình xây dựng pháp luật; trong đó có nhiều dự án, dự thảo luật liên quan đến lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giám sát tối cao về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giám sát tư pháp…
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây đều là những nhiệm vụ lớn, quan trọng đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Nội chính Trung ương nhằm bảo đảm thể chế đúng, đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi cơ quan hoàn thành tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, việc xây dựng Quy chế phối hợp giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Nội chính Trung ương là hết sức cần thiết, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất hoan nghênh.
Trên cơ sở Quy chế phối hợp, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng quan hệ phối hợp công tác giữa hai cơ quan ngày càng bền chặt, hiệu quả, chất lượng công tác tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương sẽ ngày càng được nâng cao.
Hằng năm, hai bên sẽ tiến hành sơ kết, đánh giá công tác phối hợp và sẽ thống nhất các giải pháp để bảo đảm thực hiện có hiệu quả trong những năm tiếp theo.
Tham mưu chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực theo quy định
Theo Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Nội chính Trung ương sẽ phối hợp công tác trên cơ sở đường lối, chủ trương, chính sách, quy định của Đảng; thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; cũng như dựa trên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan; tích cực, chủ động hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ.
Về nội dung phối hợp, hai bên nghiên cứu, tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư những quan điểm, định hướng, chủ trương, chính sách lớn về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Đồng thời, tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cơ quan, tổ chức trong việc thể chế hoá các quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp thành pháp luật; việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về các lĩnh vực nêu trên.
Hai bên tham mưu giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; về công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; trao đổi, thông tin về những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp để đề xuất hoặc chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành.
Hai bên cũng sẽ phối hợp trong tham mưu, phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; tham mưu chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc về tham nhũng, tiêu cực theo quy định; phối hợp thực hiện công tác cán bộ theo quy định của Đảng; phối hợp trong công tác tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân liên quan đến lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; phối hợp trong việc thực hiện các nội dung yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của hai cơ quan, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương giao./.