Thể chế, chính sách đúng đắn sẽ khơi thông nguồn lực cho phát triển văn hóa
Đối nội - Ngày đăng : 13:29, 18/12/2022
Hoàn thiện thể chế, chính sách là yêu cầu bức thiết
Phát biểu tại phiên họp, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ, thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa là nội dung lớn, quan trọng và thiết thực. Đây cũng là vấn đề khó, được xác định là một trong những điểm nghẽn lớn trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Những năm qua, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa từng bước được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, theo Thường trực Ban Bí thư, vị trí, vai trò của văn hóa chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chưa bị đẩy lùi.
Bên cạnh đó, việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cơ chế, chính sách chưa theo kịp sự phát triển của đời sống xã hội. Công tác tổ chức thi hành pháp luật, chính sách về văn hóa vẫn là khâu yếu. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức còn dàn trải hiệu quả chưa cao. Cơ chế chính sách về kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, về huy động quản lý các nguồn lực cho văn hóa chưa cụ thể, rõ ràng.
"Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, một trong những yêu cầu bức thiết được đặt ra là cần sớm hoàn thiện thể chế, chính sách về văn hóa, đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới" - Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng chỉ ra không ít tồn tại, hạn chế về thể chế, chính sách phát triển văn hóa. Đó là, hệ thống pháp luật về văn hóa có số lượng lớn; nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý và tính quy phạm thấp, thiếu những quy tắc xử sự cụ thể dẫn đến hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước còn hạn chế; khung thể chế chưa hoàn thiện, chậm điều chỉnh Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh mới đang làm giảm vai trò kiến tạo và khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa…Đồng thời, các quy định pháp luật về huy động nguồn lực cho thấy văn hóa chưa là ngành nghề được ưu tiên, khuyến khích.
“Phát triển văn hóa gặp phải các “điểm nghẽn”, “rào cản” từ chính nhận thức xã hội và các quy định của pháp luật chưa theo kịp đòi hỏi từ thực tế sinh động” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Một hạn chế khác được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ ra là việc gián đoạn Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa, Chương trình phát triển văn hóa, đang làm giảm động lực thúc đẩy phát triển văn hóa gắn với kinh tế, xã hội, đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững. Cơ chế chính sách đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với vai trò, vị trí của văn hóa trong phát triển.
Ngoài ra, bất cập trong cơ chế chính sách cũng tạo tình trạng thiếu hài hòa giữa khu vực công lập và tư nhân trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước.
Nhận thức đầy đủ, toàn diện về văn hóa khi xây dựng thể chế, chính sách
Nhấn mạnh nguồn lực cho phát triển văn hóa không chỉ là tài chính, cơ sở vật chất, mà còn là nguồn lực con người, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống dân tộc...; không chỉ là nguồn lực của Nhà nước mà còn có nguồn lực của toàn xã hội, Thường trực Ban Bí Thư Võ Văn Thưởng cho rằng, nếu có được thể chế, chính sách đúng đắn, phù hợp, bao quát sẽ khơi thông được nguồn lực to lớn của đất nước cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
“Thực tiễn, kinh nghiệm thế giới cho thấy, nếu có được thể chế, chính sách và tổ chức thực hiện tốt, hoạt động văn hóa không chỉ là “tiêu tiền" mà còn đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia” - ông Võ Văn Thưởng nêu rõ.
Thường trực Ban Bí Thư cũng lưu ý, trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa phải quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa; phải hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện về văn hóa. Thể chế, chính sách về văn hóa vừa phải có cái riêng, đồng thời phải được lồng trong thể chế, chính sách về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng với tư cách văn hóa là nền tảng, đồng thời là mục tiêu của các lĩnh vực này; phải phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...
Bên cạnh đó, thể chế, chính sách phát triển văn hóa vừa phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, coi trọng các yếu tố đặc thù của văn hóa, vừa phải giữ gìn, kế thừa hồn cốt, các giá trị cao đẹp của văn hóa dân tộc; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu thêm kho tàng văn hóa Việt Nam.
Song song đó, tập trung nghiên cứu, xây dựng thể chế, chính sách cho những lĩnh vực mới như phát triển công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa; tiếp thu, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới phục vụ cho phát triển đất nước; ngăn chặn sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực văn hóa nhằm tạo cơ sở pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội về văn hóa, tạo nguồn lực phát triển.
Đồng thời, tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi một số Luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật PPP, các luật thuế, đặc biệt là thuế Thu nhập doanh nghiệp, Nghị định về khuyến khích xã hội hóa; tiếp tục triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống chính sách, điều chỉnh xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa; xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa; hoàn thiện các chính sách văn hóa đối ngoại; xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động nguồn lực cho nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa…
Đánh giá cao Việt Nam đã đặt văn hóa là trung tâm trong kế hoạch phát triển quốc gia bảo đảm công bằng và bền vững, ông Christian Manhart - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam khuyến nghị một số chính sách như: tăng viện trợ cho các cam kết thương mại và giải ngân trong lĩnh vực văn hóa; thúc đẩy các hình thức tài trợ mới cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong môi trường kỹ thuật số.
Cùng với đó, khuyến khích hỗ trợ tài chính cho các Viện văn hóa hay các ngành công nghiệp văn hóa thông qua việc áp dụng các cơ chế giảm thuế cho các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân hay các tổ chức. Đây là cách làm được áp dụng ở nhiều quốc gia và được cho là có tác dụng đáng kể trong việc phát triển văn hóa, mang lại nhiều nguồn đầu tư bổ sung và cần thiết./.