Cử tri An Giang chất vấn nhiều vấn đề “nóng” về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Xã hội - Ngày đăng : 20:10, 16/12/2022

(BKTO) - Tại kỳ họp thứ 11 của HĐND tỉnh An Giang vừa qua, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang Đặng Hồng Tuấn đã giải đáp, làm rõ nhiều câu hỏi chất vấn của cử tri liên quan đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn.
1_20221213034351pm.jpg
Giám đốc BHXH tỉnh An Giang Đặng Hồng Tuấn trả lời kiến nghị của cử tri về lĩnh vực BHXH, BHYT.
Ảnh: BHXH An Giang

Hơn 151 tỷ đồng nợ BHXH, BHYT

Theo đó, cử tri kiến nghị HĐNĐ tỉnh làm rõ trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nợ BHXH, BHYT; số nợ cao nhất và số nợ thấp nhất; số doanh nghiệp chây ỳ, số nợ khó thu, ảnh hưởng quyền lợi người lao động (NLĐ) như thế nào? Nguyên nhân, giải pháp và trách nhiệm của cơ quan BHXH...?

Trả lời kiến nghị của cử tri, ông Đặng Hồng Tuấn - Giám đốc BHXH tỉnh An Giang cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.343/1.907 DN, cơ sở sản xuất kinh doanh nợ BHXH, BHYT với tổng số tiền 151,36 tỷ đồng. Trong đó: đơn vị có số nợ cao nhất lên tới 33,43 tỷ đồng (Công ty TNHH An Giang SAMHO) và nợ thấp nhất là 1,07 triệu đồng; có 125 đơn vị nợ từ 3 đến 6 tháng với số tiền hơn 6 tỷ đồng; có 41 đơn vị nợ chây ỳ, khó đòi với số tiền gần 3,2 tỷ đồng. Đặc biệt, có 277 đơn vị không còn NLĐ, giải thể, mất tích… với số nợ hơn 57 tỷ đồng.

“Tình trạng nợ BHXH kéo dài không chỉ gây khó khăn trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ khi đi khám, chữa bệnh BHYT, giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp, hưu trí, tử tuất hằng tháng...” – ông Đặng Hồng Tuấn nhấn mạnh

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ, chậm đóng BHXH, Giám đốc BHXH An Giang lý giải, do tình hình xung đột Nga-Ukraina và Trung Á làm mất, giảm hợp đồng, giá nguyên vật liệu tăng cao; ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, việc làm và thu nhập của NLĐ không ổn định dẫn đến không có khả năng đóng BHXH đúng hạn...

Bên cạnh đó còn do ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận chủ sử dụng lao động, NLĐ vẫn còn hạn chế; việc chậm đóng, trốn đóng, đóng không đúng quy định cho NLĐ diễn ra khá phổ biến; còn có sự chênh lệch lớn số NLĐ đang quản lý giữa cơ quan Thuế và cơ quan BHXH. Công tác tuyên truyền tuy đã được quan tâm nhưng chưa bao phủ sâu rộng, chưa tiếp cận đến từng người dân, NLĐ và doanh nghiệp.

Trong khi đó, mức xử phạt vi phạm hành chính còn thấp, chưa đủ sức răn đe đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; thủ tục, hồ sơ thực hiện khởi tố hành vi vi phạm theo Điều 214, 215, 216 Bộ luật Hình sự còn nhiều vướng mắc, chưa thống nhất giữa các ngành liên quan...

Ông Đặng Hồng Tuấn cũng cho biết, phía cơ quan BHXH cũng đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT và thanh tra chuyên ngành đóng; đồng thời báo cáo UBND cùng cấp về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong phạm vi địa phương quản lý. Bên cạnh đó, tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn và phát huy vai trò của Tổ thu hồi nợ BHXH; chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Cơ quan BHXH cũng tăng cường đối thoại với NLĐ và doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT; thường xuyên công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng tên những doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và phối hợp các sở, ngành liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra về đóng BHXH, BHYT; xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý nghiêm hành vi vi phạm nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

BHXH tỉnh cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, yêu cầu các sở, ban ngành liên quan phối hợp xử lý nợ BHXH, BHYT đối với các DN giải thể, phá sản có mua bán, thanh lý tài sản; phối hợp với Công an tỉnh ký Kế hoạch về đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, trong đó đã xây dựng quy trình cụ thể xử lý hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao.

Đảm bảo quyền lợi người lao động khi doanh nghiệp giải thể, mất tích

Liên quan đến kiến nghị của cử tri về biện pháp xử lý đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ngừng hoạt động hoặc cho NLĐ nghỉ việc nhưng còn nợ BHXH, BHYT, ông Đặng Hồng Tuấn nêu rõ: Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 277 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT không còn sử dụng NLĐ, không liên lạc được, giải thể, mất tích... với số nợ hơn 57 tỷ đồng. Khi đơn vị không đóng, sổ BHXH không chốt được, không giải quyết được chế độ BHXH, thẻ BHYT bị khóa, quyền lợi NLĐ bị ảnh hưởng.

Do đó, trước mắt, để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, cơ quan BHXH hướng dẫn các doanh nghiệp tách đóng đủ BHXH, BHYT cho những NLĐ nghỉ việc để chốt sổ BHXH, giúp giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp kịp thời, nhằm giảm khó khăn cho NLĐ khi mất việc làm.

Đối với ý kiến cử tri về việc học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia BHYT theo hộ gia đình có lợi hơn tham gia BHYT tại trường, ông Đặng Hồng Tuấn phân tích: Căn cứ Khoản 4, Điều 12 Luật BHYT và Điều 4 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ, HSSV thuộc nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng, nên không thuộc nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Bên cạnh đó, Khoản 2, Điều 13 Luật BHYT quy định: “Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của luật này, thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 Luật BHYT”. Theo đó, HSSV thuộc đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT tại nhà trường.

Để công tác thu BHYT HSSV đúng theo quy định của pháp luật, từ tháng 11/2021, BHXH tỉnh đã có văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, trong năm học 2022-2023 vẫn còn một số HSSV đã tham gia theo hộ gia đình và thẻ BHYT còn hạn sử dụng thì tiếp tục sử dụng đến hết, sau đó tuyên truyền để HSSV tham gia tại nhà trường.

Đối với trường hợp HSSV đang tham gia BHYT hộ gia đình mà đăng ký tham gia tại nhà trường theo đúng quy định của Luật BHYT, thì cơ quan BHXH sẽ hoàn trả số tiền tham gia BHYT hộ gia đình trùng với BHYT học sinh./.

Trong 11 tháng đầu năm 2022, BHXH tỉnh An Giang đã thực hiện 28 cuộc thanh tra kiểm tra (TTKT) theo kế hoạch tại 217 đơn vị; TTKT đột xuất 28 cuộc tại 323 đơn vị. Kết quả, đã yêu cầu truy đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp 258 lao động, số tiền 325,71 triệu đồng; yêu cầu truy đóng cho 31 lao động đóng sai mức quy định với số tiền 39,53 triệu đồng; yêu cầu khắc phục nợ chậm đóng 74,55 tỷ đồng; thu hồi về Quỹ BHYT do thanh toán sai quy định 450,06 triệu đồng; thu hồi về Quỹ BHXH do hưởng chế độ thai sản sai quy định 146,45 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 21 đơn vị với số tiền 508,38 triệu đồng (trong đó: tham mưu UBND tỉnh ban hành 01 quyết định với số tiền 153,86 triệu đồng).

Đ. KHOA