Các tỉnh vùng cao nỗ lực “số hóa” để phục vụ người dân tốt hơn
Xã hội - Ngày đăng : 14:38, 17/12/2022
Quyết tâm chuyển đổi số
Huyện Lắk thuộc địa bàn vùng cao của tỉnh Đắc Lắk, nơi cuộc sống người dân còn khó khăn, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin nhiều hạn chế. Song, với nỗ lực chuyển đổi số, BHXH huyện Lắk đang từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ông Vũ Văn Hải - Giám đốc BHXH huyện Lắk cho biết, với phương châm “lấy người dân làm trung tâm phục vụ”, thời gian qua, BHXH huyện Lắk tích cực đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện. Tính đến giữa tháng 11/2022, BHXH huyện đã hướng dẫn, hỗ trợ trên 16.000 người cài đặt ứng dụng VssID, chiếm 23,2% dân số. “BHXH huyện Lắk đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và Ban tự quản buôn, tổ dân phố để tuyên truyền, hướng dẫn bà con cài đặt VssID. Đồng thời, phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) đẩy mạnh sử dụng phần mềm tiếp nhận dữ liệu qua ứng dụng VssID để giảm thiểu thủ tục cho người dân” - ông Hải thông tin.
Ngoài ra, BHXH huyện còn phối hợp với cơ quan Công an triển khai đồng bộ dữ liệu, tích hợp thông tin thẻ BHYT lên thẻ căn cước công dân gắn chip để người dân thuận tiện trong KCB (đến đầu tháng 11/2022 tích hợp được hơn 45.000 thẻ BHYT, đạt 62,2%).
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tri Hảo - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Lắk, với tỷ lệ người dân đến KCB BHYT đông, việc sử dụng ứng dụng VssID và thẻ căn cước công dân gắn chip trong tiếp nhận hồ sơ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Hảo, việc triển khai ứng dụng VssID tại đây còn gặp nhiều khó khăn, do nhiều bệnh nhân, nhất là người lớn tuổi, người nghèo, người dân tộc thiểu số không có điện thoại thông minh, khả năng tiếp cận công nghệ còn hạn chế… Do đó, bên cạnh tiếp nhận hồ sơ KCB qua ứng dụng VssID và thẻ căn cước công dân, Trung tâm vẫn phải duy trì tiếp nhận theo cách thủ công. "Về vấn đề này, huyện cũng đang tiếp tục thực hiện các giải pháp để hỗ trợ người dân có điều kiện để tham gia thực hiện chủ trương một cách tốt nhất" - ông Hảo cho biết thêm.
Tinh thần chuyển đổi số tại huyện nghèo cũng phản ánh không khí đổi mới, lan tỏa trong thực hiện chuyển đổi số BHXH tại các địa phương vùng núi Tây Nguyên hiện nay. Theo lãnh đạo BHXH tỉnh Gia Lai, nhờ thực hiện chuyển đổi số nên ngay trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, BHXH tỉnh vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển đối tượng, đi đôi với phòng ngừa tốt dịch bệnh. “BHXH đã đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực, chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính” - lãnh đạo BHXH tỉnh nói và cho biết thêm, BHXH tỉnh cũng tăng cường công tác giám định trên Hệ thống thông tin giám định BHYT điện tử; phối hợp với ngành Y tế kiểm soát các chi phí bất hợp lý tại các cơ sở KCB BHYT theo cảnh báo từ hệ thống giám định điện tử, qua đó giúp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách.
Chú trọng công tác tuyên truyền đến người dân
Công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực BHXH là chủ trương rất quan trọng đang được ngành BHXH tập trung triển khai thực hiện. Tuy nhiên, chủ trương này sẽ không thể trở thành hiện thực, nếu người dân đứng ngoài cuộc. Do đó, cùng với nỗ lực đổi mới công tác này, ngành BHXH tại các địa phương cũng đề cao công tác tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận hưởng ứng thực hiện chính sách.
Để khắc phục và vượt qua khó khăn, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh về tiện ích của việc sử dụng ứng dụng BHXH. BHXH tỉnh cũng chỉ đạo BHXH các huyện phân công cán bộ tranh thủ vào ngày nghỉ, ngày lễ và ngoài giờ hành chính đến tận thôn, buôn, tổ dân phố để hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt VssID.
Để tăng cường và nâng cao giao dịch điện tử, đại diện BHXH tỉnh Gia Lai cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện việc quản lý tập trung cơ sở dữ liệu hộ gia đình, tiến tới cấp sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử. Kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với các sở, ngành bảo đảm thông suốt, chính xác, tạo thuận lợi cho việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Tăng cường tuyên truyền về chuyển đổi số cũng là tinh thần chỉ đạo của BHXH Việt Nam đến toàn ngành BHXH. “Các hình thức thông tin, truyền thông cần linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, tận dụng ưu thế của mạng xã hội, phù hợp với từng đối tượng để người dân hiểu rõ, hưởng ứng thực hiện chuyển đổi số” - BHXH Việt Nam cho biết.
Toàn hệ thống tăng cường truyền thông về chuyển đổi số hướng đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp khi tham gia BHXH, BHYT; nâng cao ý thức, đẩy mạnh việc sử dụng các ứng dụng số, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến của ngành BHXH Việt Nam, gắn kết với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho người sử dụng - BHXH Việt Nam