Lạng Sơn áp dụng giao thông thông minh góp phần phát triển kinh tế bền vững
Địa phương - Ngày đăng : 08:46, 10/12/2022
Giao thông thông minh - xu hướng tất yếu tạo động lực cho phát triển kinh tế
Hiện nay, xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng công nghệ số thông minh nhằm nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Bắt nhịp với xu hướng đó, tỉnh Lạng Sơn đã có những bước triển khai mạnh mẽ để hướng đến một tỉnh áp dụng công nghệ số vào các lĩnh vực, trong đó không thể thiếu lĩnh vực hạ tầng giao thông. Sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được xem là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và thực tiễn phát triển của tỉnh. Cũng từ đây, những nhiệm vụ, giải pháp được triển khai để cụ thể hóa các mục tiêu của tỉnh.
Xác định mạng lưới giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, tỉnh Lạng Sơn đang triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp nhiều tuyến đường theo hướng đồng bộ, kết nối liên vùng nhằm khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đồng thời, trước dự báo nhu cầu vận tải tăng cao, Lạng Sơn đã đặt ra định hướng phát triển hệ thống giao thông thông minh (Intelligen transport system - ITS) để giải quyết các thách thức của quá trình phát triển đô thị trong thời gian tới.
Lộ trình này cũng nằm trong kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tuyến giao thông huyết mạch quan trọng có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế và quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh là hướng kết nối từ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Đồng Đăng về Hà Nội và ra cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh. Trong đó có: Cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, QL.1, đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng. Hướng kết nối ngang về phía Tây: Theo QL.1B đi Thái Nguyên và theo tuyến QL.279 đi Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên. Hướng kết nối ngang về phía Đông: Theo tuyến QL.4B và đường bộ cao tốc Tiên Yên - Lạng Sơn trong tương lai đi Quảng Ninh ra biển (Mũi Chùa, Vân Đồn). Hướng kết nối Lạng Sơn - Cao Bằng về phía Tây Bắc theo QL.4A và đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trong tương lai.
Vì vậy, Lạng Sơn đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, tạo thành mạng lưới giao thông tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, hướng tới hiện đại, có tính kết nối cao từ Trung ương đến tận thôn, bản và tiếp cận hệ thống giao thông đô thị thông minh, trong đó ưu tiên tập trung phát triển hệ thống giao thông đối ngoại, các trục đường đô thị khu vực TP. Lạng Sơn để kết nối với các tỉnh và các trung tâm kinh tế lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh đã chú trọng tập trung vào các điểm cần ưu tiên kết nối hạ tầng giao thông như: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Đồng Đăng, Chi Ma, Tân Thanh, Bản Chắt, Bình Nghi; Các trung tâm kinh tế như TP. Lạng Sơn, huyện Cao Lộc, Văn Lãng, cảng cạn Lạng Sơn, trung tâm logistics, khu công nghiệp tại huyện Hữu Lũng (huyện Lộc Bình, Đình Lập sau năm 2030), quần thể du lịch Mẫu Sơn, khu di tích Chi Lăng, khu du lịch cộng đồng tại các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Hữu Lũng.
Theo định hướng phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ, phục vụ giao thông và phát triển giao thông vận tải đến năm 2050, Lạng Sơn dự kiến đầu tư hệ thống giao thông thông minh trên 3 đoạn tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Tiên Yên - Lạng Sơn theo lộ trình của Bộ GTVT.
Đầu tư trung tâm điều hành giao thông đô thị Lạng Sơn với hạ tầng, công nghệ, thiết bị và đào tạo để vận hành hệ thống giao thông thông minh cho TP. Lạng Sơn, có thể kết nối với hệ thống ITS của các tuyến cao tốc và hệ thống thông tin của đường sắt.
Từ nay đến năm 2050, Lạng Sơn dự kiến hình thành 3 đoạn tuyến cao tốc gồm cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (kết nối đến cửa khẩu Hữu Nghị) mở rộng 6 làn; đoạn cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (kết nối cửa khẩu Trà Lĩnh) 4 làn và đoạn Tiên Yên - Lạng Sơn 4 làn kết nối với cao tốc Hạ Long - Móng Cái; nghiên cứu tuyến đường cấp cao kết nối Lạng Sơn với tuyến Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái - Phú Thọ, đề xuất bổ sung vào quy hoạch vùng.
Tiếp tục duy trì, nâng cấp các QL.1, QL.31, QL.1B, QL.4B, QL.4A toàn tuyến; nâng cấp các quốc lộ 279, 3B toàn tuyến hoặc từng đoạn; bổ sung quốc lộ 3E (kết nối QL.1B, 279 với QL.4A và 3B).
Đồng thời, cải tạo nâng cấp các đường tỉnh kết nối liên tỉnh, trục chính toàn tỉnh, các đường tỉnh khác đạt tối thiểu 2 làn xe. Hoàn thiện kết nối với mạng đường tỉnh của Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, định hướng mở mới một số tuyến kết nối liên tỉnh Lạng Sơn với cảng sông, cảng biển tại Bắc Giang, Quảng Ninh. Phấn đấu đường huyện được nâng cấp, đường giao thông nông thôn khác được cứng hoá mặt đường 100%. Nâng cấp mở rộng các bến xe theo nhu cầu; đầu tư một số bãi đỗ xe ngầm khu vực trung tâm TP. Lạng Sơn.
Bên cạnh đó, Lạng Sơn sẽ phát triển quy mô cảng cạn, trung tâm logistics trên cơ sở khu trung chuyển hàng hoá cửa khẩu, kết nối với các tuyến cao tốc và đường sắt. Bố trí quỹ đất để thu hút đầu tư hạ tầng phục vụ logistics, phát triển thêm cảng cạn dọc theo tuyến đường bộ cao tốc Tiên Yên - Lạng Sơn - Cao Bằng.
Ngoài ra, Lạng Sơn tiếp tục cải tạo và khai thác hiệu quả đường sắt hiện có. Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt mới Hà Nội - Đồng Đăng đường đôi, khổ tiêu chuẩn 1435 mm, điện khí hoá kết nối liên vận với Trung Quốc./.