Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 17:00, 21/12/2022

(BKTO) - Tại Hội thảo khoa học “Hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai và những vấn đề đặt ra đối với Kiểm toán nhà nước” diễn ra sáng 21/12, trên cơ sở chỉ rõ những bất cập, hạn chế, lỗ hổng chính sách trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, các chuyên gia, đại biểu đã đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai và nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai.
ht-chu-tri(1).jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh và Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, KTNN đồng chủ trì Hội thảo. Ảnh: N.LỘC

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, đất đai là nguồn lực chủ yếu, rất quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh. Phần lớn các vụ việc tranh chấp, khiếu nại hiện nay có liên quan đến đất đai; rất nhiều vụ việc, thậm chí là vụ án hình sự liên quan đến đất đai đã và đang được tiến hành.

Trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, về góc độ tổng thể cũng còn nhiều vấn đề như các quy định pháp luật về đất đai còn chồng chéo, vướng mắc; việc triển khai thực hiện chính sách còn nhiều kẽ hở, bị lợi dụng, trục lợi do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Qua giám sát tối cao của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” cũng cho thấy rõ hơn những bất cập này. Thực tế trên đòi hỏi các cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai cần được đặc biệt quan tâm.

ht-anh-minh-nam.jpg
Ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát biểu. Ảnh: N.LỘC

Cũng theo ông Nam, hiện nay, Quốc hội đang xem xét sửa đổi Luật Đất đai. Đây là dự luật rất quan trọng, có liên quan đến nhiều văn bản luật khác. Do đó, dự luật đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, góp ý của chuyên gia, nhà khoa học, để góp phần hoàn thiện các quy định trong Luật Đất đai. Tuy nhiên, dù quy định có chặt chẽ đến đâu thì trong quá trình triển khai trên thực tế vẫn bộc lộ kẽ hở. Do đó, cần tăng cường vai trò giám sát đối với vấn đề quản lý, sử dụng đất đai, trong đó có vai trò của KTNN, cơ quan thanh tra, kiểm tra.

Theo đó, đưa đề xuất đối với công tác kiểm toán của KTNN trong lĩnh vực đất đai, ông Nam cho rằng, trước hết, ngoài việc kiểm toán đánh giá, xác nhận về tính tuân thủ, thực hiện các chính sách pháp luật liên quan, cần có kiến nghị giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng nguồn lực đất đai.

Song song với đó, cần đấu tranh kiên quyết đối với các hành vi vi phạm, cũng như cần có khuyến cáo, tư vấn để đảm bảo nâng cao ý thức thức thượng tôn pháp luật của các chủ thể trong quản lý, sử dụng đất đai.

Mặt khác, cần nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN. Hiện nay qua thống kê cho thấy, các trường hợp không chấp hành kiến nghị, kết luận kiểm toán còn rất nhiều. Vừa qua, Quốc hội cũng đã có những ý kiến chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này để nâng cao tính tuân thủ, thượng tôn pháp luật theo Luật KTNN.

Ngoài ra, Quốc hội đang xem xét sửa đổi Luật Đất đai, dự kiến thông qua Luật tại kỳ họp cuối năm 2023. Do đó, trong kế hoạch kiểm toán năm 2023, KTNN cần tăng cường kiểm toán lĩnh vực đất đai và cho ý kiến đóng góp đối với các quy định có liên quan đến Luật Đất đai để giúp nâng chất lượng xây dựng luật. Bởi KTNN là cơ quan chuyên môn sâu, trực tiếp kiểm toán các vấn đề liên quan đến đất đai, nên các ý kiến đóng góp đều rất chất lượng, hữu ích, các đại biểu Quốc hội rất quan tâm.

Đưa thêm kiến nghị đối với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai, TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gian kinh tế cho rằng, trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai, cần bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý đất đai như: xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông.

Song song với đó, cần bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế đồng bộ, cụ thể để xử lý vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, nhất là liên quan tới đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất. Ngoài ra, cần đẩy mạnh thương mại hoá và phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp; công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng…

Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Thanh - Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết, Luật Đất đai còn nhiều bất cập khiến việc triển khai áp dụng trên thực tế còn gặp nhiều vướng mắc. Đơn cử như, theo quy định tại Điều 64 Luật Đất đai 2013, việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai được áp dụng trong trường hợp đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng. Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

Theo ông Thanh, chiếu theo quy định trên cho thấy, trên thực tế, nhiều dự án bị chậm tiến độ hoặc không đưa vào triển khai sau 6-7 năm, thậm chí lâu hơn vẫn chưa thể thu hồi được. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, khi Nhà nước thu hồi đất nhưng không phải bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất cũng ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi, tài sản của nhà đầu tư.

ht-thanh-hoa.jpg
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa phát biểu. Ảnh: N.LỘC

Chia sẻ thêm từ thực tế của địa phương, ông Thanh cho biết, kể từ khi thực hiện Luật Đất đai 2013, đến nay, trên toàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện cho thuê đất khoảng 1.195 dự án, trong đó, các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được khoảng 14% - 15% tổng số dự án; số dự án chậm tiến độ khoảng 300 dự án.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng gặp vướng mắc, đó là hệ thống thông tin về đất đai chưa hoàn thiện, dẫn đến tình trạng thanh tra, kiểm tra không đồng đều đối với các doanh nghiệp.

“Với địa phương như Thanh Hóa, đội ngũ cán bộ thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường khoảng 50 - 60 người mà phải thực hiện nhiệm vụ thanh tra lên đến cả nghìn dự án thì khó có thể khả thi. Do đó, Bộ, ngành chức năng cần sớm hoàn thiện hệ thống thông tin về đất đai một cách đồng bộ, đầy đủ, để giúp các cơ quan thanh tra về đất đai ở địa phương có thể thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, cũng như đảm bảo sự công bằng cho các doanh nghiệp” - ông Thanh kiến nghị.

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến của các chuyên gia, đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, phát biểu kết luận, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh, qua trao đổi, thảo luận, Hội thảo đã đề cập tương đối toàn diện từ góc độ lý luận cũng như thực tiễn áp dụng các cơ chế, chính sách về đất đai hiện nay thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN và giải pháp hoàn thiện. Theo đó, Hội thảo đã tập trung vào hai vấn đề lớn.

ht-pho-tong.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh phát biểu. Ảnh: N.LỘC

Thứ nhất, Hội thảo đã làm rõ quan điểm, chủ trương của Ðảng, Quốc hội và Chính phủ về hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đất đai là tài sản công đặc biệt, là tài nguyên quý giá và là nguồn lực to lớn của đất nước; với vị trí là cơ quan giám sát việc quản lý hoạt động tài chính quốc gia, KTNN có chức năng kiểm tra, đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, trong đó có đất đai, tài nguyên.

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong quản lý và sử dụng đất đai trong thời gian qua; hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất còn chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, là kẽ hở để các tổ chức, cá nhân liên quan có thể trục lợi gây lãng phí, tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất.

Thứ hai, Hội thảo đã đề xuất, kiến nghị các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai và nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai.

“Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo sẽ được lãnh đạo KTNN nghiên cứu, tiếp thu tối đa để KTNN có nhiều đổi mới, sáng tạo và khoa học, xây dựng các giải pháp hữu hiệu, đạt được nhiều thành tựu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó nhằm đáp ứng tốt hơn những kỳ vọng, niềm tin và sự mong đợi của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh./.

D.THIỆN - H.THOAN - N.LỘC