Xây dựng Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:39, 22/12/2022
GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học KTNN - là chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Đề tài do ThS. Đỗ Thị Lan Hương (Vụ Pháp chế) và ThS. Vương Nguyên Lượng (KTNN khu vực X) đồng Chủ nhiệm.
Theo nghiên cứu của Ban Đề tài, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã nhất thể hóa các quy định trước đó về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra, khắc phục tình trạng tồn tại hai mặt bằng pháp lý về bồi thường thiệt hại trong hoạt động hành chính và tố tụng hình sự hiện nay.
Đồng thời, Luật cũng tạo cơ chế pháp lý mới, đồng bộ, hiệu quả để người bị thiệt hại được bồi thường đối với những thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra; Nhà nước thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình trước công dân trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước xác định rõ trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại. Điều này tạo thuận lợi cho người bị thiệt hại trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình, mặt khác, góp phần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và công chức trong quá trình thực thi công vụ.
Để đồng bộ với các bộ luật hiện hành, Luật KTNN cũng đã có nội dung về khiếu nại, khởi kiện và trách nhiệm bồi thường trong lĩnh vực KTNN. Tuy nhiên, Luật KTNN năm 2006, Luật KTNN năm 2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN vẫn chưa có quy định riêng về bồi thường thiệt hại trong hoạt động KTNN.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN chỉ có một khoản quy định về bồi thường thiệt hại (tại khoản 13 Điều 1). Theo đó, Quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ký và phải được gửi ngay đến người khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thi hành. Quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN phải có các nội dung chủ yếu, trong đó có việc bồi thường thiệt hại cho người bị khiếu nại (nếu có).
Việc không có quy định riêng biệt trong hoạt động kiểm toán mà chỉ quy định chung chung sẽ dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại. Vì vậy, việc nghiên cứu, xem xét để đưa ra các vấn đề lý luận, thực trạng, quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước trong lĩnh vực KTNN là cần thiết và có ý nghĩa ứng dụng vào thực tiễn rất cao.
Đề tài được kết cấu thành 3 chương, trong đó, Chương I nghiên cứu khái quát lý luận một số vấn đề cơ bản như: Bồi thường thiệt hại, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước, các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường, căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước, vị trí, vai trò của công tác trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý nhà nước, cơ sở pháp lý về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực KTNN...
Chương II khái quát những quy định của pháp luật, phân tích và đánh giá thực trạng bồi thường thiệt hại của Nhà nước trong lĩnh vực KTNN, thực trạng bồi thường thiệt hại của cơ quan tương đồng (Hải quan). Qua đó, Đề tài đã chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế làm cơ sở để đề xuất giải pháp.
Chương III đề ra quan điểm định hướng xây dựng Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước trong lĩnh vực KTNN, đề xuất Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước trong lĩnh vực KTNN. Đề tài cũng đề xuất các giải pháp để thực hiện Quy định.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá, Đề tài có giá trị thực tiễn, là nguồn tài liệu tham khảo để xây dựng Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước trong lĩnh vực KTNN, có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo, tài liệu giảng dạy, đào tạo của KTNN. Đặc biệt, Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước trong lĩnh vực KTNN được ban hành sẽ làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết bồi thường thiệt hại của KTNN trong hoạt động kiểm toán.
Để hoàn thiện Đề tài, Hội đồng khoa học KTNN đề nghị các tác giả bổ sung, làm rõ hơn về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại và các điều kiện phát sinh bồi thường thiệt hại; đặc điểm cơ bản của trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; các dấu hiệu về bồi thường thiệt hại của KTNN.
Bên cạnh đó, tại Chương III, Ban Đề tài trình bày rõ hơn về phạm vi bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực KTNN; xác định chủ thể gồm: Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường, đối tượng được bồi thường trong lĩnh vực KTNN.
Hội đồng nghiệm thu thống nhất Đề tài xếp loại Khá./.