Kiểm toán đánh giá như thế nào về việc TP.Hồ Chí Minh tạm dừng bố trí vốn của 148 dự án đã có quyết định phê duyệt đầu tư?

Kết quả kiểm toán - Ngày đăng : 10:42, 22/12/2022

(BKTO) - Thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương năm 2021 của TP.Hồ Chí Minh, Kiểm toán nhà nước (KTNN) kết luận, UBND TP.Hồ Chí Minh đã chú trọng đến việc tăng tỷ trọng chi đầu tư khi dự toán chi ngân sách địa phương..., nhưng trong công tác lập, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công tại địa phương còn nhiều bất cập.
hcm.jpg
Kiểm toán nhà nước vừa thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương năm 2021 của TP.Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: TTXVN

Xây dựng kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn chưa sát thực tế

Đánh giá về công tác lập và phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP.Hồ Chí Minh, KTNN nêu rõ, TP.Hồ Chí Minh đã xây dựng và đề xuất phương án bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách thành phố trình và được Thủ tướng Chính phủ thông báo thấp hơn so với tổng kế hoạch vốn khoảng 176.730 tỷ đồng.

Liên quan đến trình tự, thủ tục lập và phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn, KTNN đánh giá, kế hoạch không thể hiện một số chỉ tiêu, không phân loại dự án theo thời gian thực hiện được quy định tại Luật Đầu tư công; Thành phố cũng chưa tổ chức và thực hiện thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn của Sở, ban, ngành thuộc thẩm quyền theo đúng quy định tại Luật Đầu tư công.

Cùng với đó, KTNN nêu rõ hàng loạt những bất cập như TP.Hồ Chí Minh phân bổ vốn điều lệ cho một số quỹ tài chính khi chưa xác định được tiêu chí để phân loại; chưa bố trí vốn thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đối với dự án trọng điểm, có tính chất kết nối liên vùng theo quy định tại Nghị quyết 973/NQ-UBTVQH làm ảnh hưởng đến việc chuẩn bị đầu tư dự án và triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Đồng thời, Thành phố đã phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn đối với 05 dự án trọng điểm sử dụng vốn ODA; chưa đảm bảo bố trí đủ vốn để hoàn thành 04 dự án thực hiện đầu tư trong kỳ và các dự án chuyển tiếp theo tiến độ đầu tư đã được phê duyệt.

Đáng chú ý, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho UBND Thành phố nội dung “Bố trí vốn trung hạn bằng với giá trị vốn đã bố trí trong kế hoạch vốn năm 2021 đối với các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng chưa bồi thường, chưa thi công, chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu, chưa triển khai đầu tư xây dựng và chưa có khả năng tiếp tục triển khai thực hiện”. Theo đó, TP.Hồ Chí Minh đã phải tạm dừng không tiếp tục bố trí vốn đối với 148 dự án đã giao kế hoạch vốn trong năm 2021 - đó là những dự án đã có quyết định phê duyệt đầu tư nhưng có khả năng dẫn tới nợ đọng xây dựng cơ bản.

Tuy nhiên, từ quyết định trên của TP.Hồ Chí Minh, KTNN kết luận rằng UBND Thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án trong 2 giai đoạn đầu tư công (giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025) khi chưa xác định và cân đối được nguồn vốn dẫn tới khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 có 148 dự án đã có quyết định phê duyệt dự án nhưng không cân đối được nguồn vốn nên phải đề xuất tạm dừng chưa tiếp tục triển khai, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Chưa tuân thủ quy định, phân bổ kế hoạch vốn năm 2021 trước cho hàng nghìn dự án

Đánh giá riêng về công tác lập, thẩm định, phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công năm 2021, bất cập được KTNN chỉ ra là Thành phố chưa tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục lập và thẩm định kế hoạch đầu tư công, thời gian điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 không đảm bảo theo quy định. Đáng chú ý, có 93 dự án được giao kế hoạch vốn nhưng sau đó Thành phố không cân đối được nguồn vốn, phải tạm dừng thực hiện.

Với việc phân bổ kế hoạch vốn cho 2.666 dự án trước khi có quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện, Thành phố chưa tuân thủ quy định tại Luật Đầu tư công và Nghị quyết của HĐND Thành phố. Chưa hết, TP.Hồ Chí Minh còn bố trí kế hoạch vốn năm 2021 cho 1.307 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 có thời gian bố trí vốn quá thời gian quy định.

Trong quản lý, thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, KTNN nêu rõ, tổng số vốn kế hoạch đầu tư công của thành phố đã giải ngân đạt tỷ lệ 62%, thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước và thấp hơn tỷ lệ các chủ đầu tư đã đăng ký với UBND Thành phố.

Trong đó, có 414 dự án được bố trí kế hoạch vốn 2.335 tỷ đồng nhưng chưa giải ngân; 73 dự án có tỷ lệ giải ngân thấp hơn 30% kế hoạch vốn năm 2021 được giao, số vốn còn lại phải hủy bỏ 8.787 tỷ đồng; 532 dự án có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của Thành phố với giá trị kế hoạch vốn không được giải ngân 9.471 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc quản lý dự án đầu tư còn thực hiện chưa đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các văn bản pháp luật khác.

Qua kiểm toán chi tiết tại các dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 134,6 tỷ đồng và kiến nghị khác 29,1 tỷ đồng. Thành phố cũng chưa kịp thời thu hồi số vốn đầu tư tạm ứng đã quá thời hạn thu hồi theo quy định. Theo KTNN xác nhận, tổng số dư tạm ứng quá hạn đến ngày 31/01/2022 của 173 dự án lên tới 1.754,2 tỷ đồng.

PHÚC KHANG