Không để “tín dụng đen” - vay dễ, trả khó "hành" dân nghèo

Xã hội - Ngày đăng : 16:38, 20/12/2022

Nhằm tránh tình trạng tội phạm “tín dụng đen” tiếp cận, lôi kéo người dân và công nhân lao động, đặc biệt là vào những tháng cuối năm, lực lượng Công an đang triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh mạnh với loại tội phạm này.​ Do tính chất tinh vi khiến cho việc phát hiện, trấn áp loại hình tội phạm này gặp nhiều khó khăn, Bộ Công an cũng lưu ý người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh biến mình thành nạn nhân của vay nặng lãi “tín dụng đen”.
a.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra, khám xét một cơ sở liên quan đến cho vay nặng lãi. Ảnh: Báo Thanh niên

Thủ đoạn tinh vi, phức tạp

Từ tin báo của quần chúng, mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hưng Yên đã triệt phá thành công vụ án cho vay nặng lãi, với mức lãi suất 10.000 đồng/1 triệu/ngày trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đối tượng đã sử dụng ứng dụng (app) để quản lý việc cho vay. Bước đầu Cơ quan điều tra xác định từ năm 2018 đến nay, các đối tượng đã cho nhiều người vay với số tiền giao dịch lên đến hơn 40 tỷ đồng. Hiện, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố, đồng thời tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Đây chỉ một trong hàng trăm vụ án liên quan đến “tín dụng đen” được lực lượng Công an triệt phá, khởi tố mỗi năm. Đáng chú ý, các vụ việc vi phạm ngày càng sử dụng thủ đoạn phạm tội tinh vi, khó phát hiện. Theo Bộ Công an, một thủ đoạn tinh vi, biến tướng của “tín dụng đen” hiện nay là các đối tượng lập các hợp đồng giả với người vay tín chấp, thế chấp. Người vay cần vay số tiền lớn trong thời gian ngắn và chấp nhận trả lãi suất cao đến khi mất khả năng chi trả sẽ bị buộc chuyển quyền sở hữu tài sản đã thế chấp cho đối tượng cho vay.

Chị Phạm Thị H. (công nhân, tại tỉnh Thanh Hóa) cho biết, do có nhu cầu vay vốn, chị lên mạng tìm hiểu thì được đối tượng giới thiệu có liên kết với ngân hàng cho vay không cần thủ tục, giải ngân nhanh. Tin tưởng, chị gửi bản chụp căn cước công dân và vay 50 triệu đồng, thời hạn 6 tháng. Tuy nhiên, dù đã trả hết tiền gốc, cộng thêm khoản lãi phát sinh, chị vẫn liên tục bị số điện thoại “ảo” gọi đòi nợ với số tiền hàng chục triệu đồng, với đủ lí do như nợ quá hạn, phí phát sinh... Do sợ ảnh hưởng đến người thân nên chị đành đáp ứng, chấp nhận mất tiền để yên thân. “Mình cũng trách bản thân lúc đó rất cần tiền, không tìm hiểu kỹ về điều kiện vay dẫn đến rắc rối vừa qua” - chị H., chia sẻ.

Ngoài ra, lợi dụng cơn sốt bất động sản, các đối tượng cũng tiến hành huy động vốn trái phép với lãi suất cao dưới các hình thức đặt cọc giao dịch mua bán đất đai, cùng nhau thành lập công ty, lập các dây “hụi” sau đó tuyên bố “vỡ hụi”, nhằm chiếm đoạt tài sản. Sự phức tạp của tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” còn có sự tham gia của yếu tố nước ngoài, như các hoạt động cho vay qua app, mời đầu tư tiền ảo… với nhiều chiêu trò lôi kéo, dụ dỗ người tham gia.

Chủ động phòng ngừa, đấu tranh

Sau thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, kinh tế - xã hội trên cả nước bị ảnh hưởng, tình hình thất nghiệp tăng dẫn đến tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” lợi dụng vào sự khó khăn về tài chính của người dân, doanh nghiệp để hoạt động trở lại. Thủ đoạn của các đối tượng thể hiện tinh vi hơn, gây khó khăn cho công tác phòng ngừa và xử lý tội phạm.

ld.jpg
Tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp kéo theo các vấn đề an sinh xã hội là nguyên nhân nảy sinh nhiều loại tội phạm, trong đó tội phạm “tín dụng đen”. Ảnh: N.LỘC

Dự báo tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp kéo theo các vấn đề an sinh xã hội là nguyên nhân nảy sinh nhiều loại tội phạm, trong đó tội phạm “tín dụng đen” có điều kiện để hoạt động mạnh trở lại. Do đó, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương mở đợt cao điểm nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc phối hợp với Công an giải quyết tình hình tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, góp phần kiểm soát và kéo giảm phạm pháp hình sự, đem lại sự bình yên cho người dân.

Bộ Công an cho biết, trước mắt sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để có nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền cần có quy định về hoạt động vay tín chấp, cho vay trực tuyến, vay qua app hiện nay; hỗ trợ ngành ngân hàng triển khai các gói vay nhỏ, qua số căn cước công dân không cần thế chấp, phục vụ các nhu cầu cấp bách chính đáng. Đồng thời, xử lý triệt để các vụ án liên quan đến “tín dụng đen”, nhất là các vụ án liên quan đến cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tiếp tay, cung cấp vốn cho “tín dụng đen” hoạt động.

Theo luật sư Nguyễn Văn Thái (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), nạn nhân của “tín dụng đen” rất đa dạng, song phổ biến là người dân, người lao động thiếu hiểu biết pháp luật, có điều kiện kinh tế khó khăn, dẫn đến thiếu cảnh giác, phòng ngừa, chưa nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thậm chí vô tình tiếp tay cho các đối tượng xấu. Do đó, cùng với việc tăng cường trấn áp loại tội phạm này, các cơ quan chức năng cần tập trung tuyên truyền, giúp người dân nhận diện những hành vi “tín dụng đen” phổ biến; tuyên truyền pháp luật về cho vay trong giao dịch dân sự như các quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng vay tài sản; quy định về lãi suất, phạt vi phạm; quy định về họ, hụi, biêu, phường... "Cùng với đó, các cơ quan chức năng, tổ chức tín dụng cần xem xét những khoản vay lãi suất ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục để đáp ứng nhu cầu của người dân, trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu tăng cao dịp Tết" - luật sư Thái cho biết. 

Cuối năm cũng là dịp các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” sẽ tìm đủ mọi cách để “bẫy” người dân. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin nhân thân cho các đối tượng lạ gọi điện mời chào vay tiền, nhận vay tiền lãi suất cao hoặc đòi nợ như: Thông tin về giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống… để tránh các đối tượng đeo bám, gây ảnh hưởng và phải báo ngay cho cơ quan công an, lực lượng chức năng để được hỗ trợ./.

N.LỘC