Ngành Công Thương tiếp tục mạnh tay cắt giảm thủ tục hành chính
Đầu tư - Ngày đăng : 20:05, 02/05/2018
(BKTO) - Thông tin phát đi ngày 2/5 của Bộ Công Thương cho biết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vừa ký Quyết định số 1408/QĐ-BCT phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa một loạt các thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương năm 2018 trên 10 lĩnh vực với tổng số 54 thủ tục hành chính bị bãi bỏ, đơn giản hóa (bãi bỏ 12 thủ tục và đơn giản hóa 42 thủ tục).
Cụ thể gồm: lĩnh vực Xúc tiến thương mại (9 thủ tục), an toàn thực phẩm (8 thủ tục), xuất nhập khẩu (7 thủ tục), Sở giao dịch hàng hóa (3 thủ tục), tiêu chuẩn đo lường (9 thủ tục), quản lý cạnh tranh (7 thủ tục), kỹ thuật an toàn (5 thủ tục), kinh doanh rượu (2 thủ tục), năng lượng (3 thủ tục) và điện (1 thủ tục).
Các thủ tục này đang tồn tại trong 19 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 10 Thông tư, 1 Thông tư liên tịch, 1 Quyết định của Thủ tướng và 7 Nghị định.
Đây là lần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh đầu tiên trong năm 2018 và được xem là “cuộc cách mạng lần thứ 3” của ngành Công Thương.
Trong vòng 2 năm trở lại đây, Bộ Công Thương đã góp phần đáng kể trong nỗ lực chung của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới một Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Kết quả kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng được thực hiện từ tháng 01/2017-02/2018 vừa công bố cũng cho thấy Bộ Công Thương đạt yêu cầu cải cách thủ tục hành chính theo nghị quyết Chính phủ, còn hầu hết các Bộ ngành chưa đạt, chưa cắt giảm, số lượng cắt giảm quá ít và bị yêu cầu tiếp tục cắt giảm.
Bộ Công Thương đang đi đầu trong các Bộ đáp ứng đúng và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 01 của Chính phủ khi đã cắt giảm 402 danh mục trong tổng số 702 mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành. |
Bộ cũng bãi bỏ quy định trách nhiệm chậm nhất 7 ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mại thương nhân phải gửi văn bản thông báo cho Sở Công Thương nơi thực hiện khuyến mại kèm theo bản sao văn bản xác nhận của Bộ Công Thương. Thay vào đó, trách nhiệm thông báo này thuộc về Bộ Công Thương cung cấp cho Sở Công Thương nơi thương nhân tổ chức khuyến mại nội dung chương trình đã được xác nhận để phối hợp quản lý; Bãi bỏ quy định về việc thông báo yêu cầu thương nhân hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ khi hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Đồng thời, cho phép thương nhân được lựa chọn một trong 3 cách thức đăng ký thực hiện khuyến mại bao gồm: Qua đường bưu điện, trực tiếp tại trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, dịch vụ công trực tuyến.
Thời gian giải quyết các thủ tục trong lĩnh vực xúc tiến thương mại được giảm từ 7 ngày làm việc xuống còn 5 ngày làm việc. Đối với quy định về việc thông báo thực hiện khuyến mại, thời hạn gửi thông báo đến Sở Công Thương được giảm từ 7 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mại.
Các trường hợp Xác nhận đăng ký tổ chức Hội chợ, Triển lãm thương mại ở nước ngoài; Xác nhận thay đổi, bổ sung nội dung đăng ký tổ chức Hội chợ, Triển lãm thương mại ở nước ngoài và xác nhận đăng ký tổ chức Hội chợ, Triển lãm thương mại tại Việt Nam được rút ngắn thời gian từ 10 ngày làm việc xuống 7 ngày làm việc.
Đối với lĩnh vực xuất khẩu, Bộ Công Thương cũng tiến hành điều chỉnh thời gian thực hiện thủ tục kinh doanh xuất khẩu gạo từ 15 ngày làm việc xuống còn 10 ngày đối với hoạt động cấp lại, điều chỉnh nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, đồng thời bãi bỏ quy định về việc “Cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo thay thế Giấy chứng nhận sắp hết hiệu lực”.
QUỲNH ANH