Latvia: Đánh giá hoạt động của hệ thống bảo vệ dân sự và quản lý thảm họa
Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 21:30, 22/12/2022
Cuộc kiểm toán được thực hiện nhằm đánh giá việc lập kế hoạch và tính sẵn sàng của hệ thống bảo vệ dân sự quốc gia tại thời điểm chương trình nghị sự toàn cầu bị ảnh hưởng, phụ thuộc phần lớn bởi đại dịch Covid-19. Đơn vị được kiểm toán gồm các cơ quan trong hệ thống bảo vệ dân sự, trong đó Bộ Nội vụ và Cơ quan Phòng cháy, Chữa cháy là các cơ quan đứng đầu.
Kết quả kiểm toán cho thấy, hệ thống bảo vệ dân sự và quản lý thảm họa là một lĩnh vực bị xao lãng, không có các điều kiện tiên quyết để quản lý thảm họa và khủng hoảng một cách hiệu quả. Một số phát hiện và khuyến nghị kiểm toán chính bao gồm: Hệ thống quản lý thảm họa với sự tham gia của nhiều bên nhưng không ai chịu trách nhiệm; Một trong những điều đầu tiên cần làm là cải thiện mô hình thể chế quản lý thảm họa để có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan liên quan đến quản lý thảm họa; Cần tạo ra một mô hình thể chế thích hợp để quản lý thảm họa phù hợp với các cấp độ quản lý thảm họa khác nhau; Phương pháp tiếp cận để xây dựng các kế hoạch bảo vệ dân sự cấp quốc gia và thành phố cần được rà soát. Các kế hoạch bảo vệ dân sự cần đưa ra các biện pháp toàn diện để quản lý thảm họa.
Cuộc kiểm toán cho thấy trong 15 biện pháp phòng ngừa và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó được đưa vào Kế hoạch bảo vệ dân sự quốc gia, 4 biện pháp đã được thực hiện, 4 biện pháp đang được thực hiện, 7 biện pháp vẫn chưa được thực hiện; Các cuộc diễn tập về bảo vệ dân sự là cần thiết để kiểm tra tính thích hợp của các biện pháp đã được thiết lập, tính đầy đủ của các nguồn lực và cơ chế hợp tác. Tuy nhiên, việc tổ chức diễn tập do từng cơ quan quyết định, Bộ Nội vụ và Cơ quan Phòng cháy, Chữa cháy - cơ quan hàng đầu của hệ thống bảo vệ dân sự không có thông tin về những lần diễn tập được thực hiện và được lên kế hoạch, cũng không có đầy đủ sự giám sát đối với việc loại bỏ những hạn chế được phát hiện trong các cuộc diễn tập; Công tác tham vấn cộng đồng chưa được thực hiện. Công chúng không được cung cấp thông tin về các biện pháp bảo vệ dân sự, không tham gia vào quá trình đánh giá rủi ro thảm họa, không được thông báo về quá trình và kết quả đánh giá rủi ro, điều này đe dọa khả năng sẵn sàng ứng phó và tham gia vào các biện pháp quản lý thảm họa của xã hội cũng như làm suy yếu khả năng phục hồi trước các cuộc khủng hoảng nói chung; Việc tạo dựng các nguồn dự trữ nguyên liệu của quốc gia bị xao lãng, không có kinh phí cho các nguồn dự trữ nguyên liệu trong một thời gian dài.
Riêng Bộ Nội vụ và Cơ quan Phòng cháy và Chữa cháy nhà nước nhận được 17 khuyến nghị với thời hạn thực hiện là ngày 31/12/2025. Ba đề xuất liên quan đến việc cải thiện mô hình thể chế quản lý thảm họa, khủng hoảng, kế hoạch rủi ro ngành và kinh phí cấp cho các nguồn dự trữ nguyên liệu quốc gia đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ./.