Việc trợ cấp đã giúp người lao động thấy được vai trò, tác dụng của các chính sách bảo hiểm xã hội

Xã hội - Ngày đăng : 14:54, 23/12/2022

(BKTO) - Các chính sách trợ cấp cho người lao động (NLĐ) trong đại dịch Covid-19 là hết sức kịp thời, nhân văn. Việc trợ cấp này hơn rất nhiều lần các hình thức tuyên truyền để vận động NLĐ tham gia các chính sách bảo hiểm. Bởi qua thực tiễn, NLĐ thấy được vai trò, tác dụng của các chính sách bảo hiểm đã thực sự giúp họ lúc khó khăn.
000.jpg
Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách-Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Kiểm toán. Ảnh: HỒNG NHUNG

Đây là khẳng định của ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách-Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Kiểm toán về hệ thống các chính sách an sinh xã hội thời gian vừa qua.

Thưa ông, từ góc độ tổ chức bảo vệ quyền lợi của NLĐ, ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thời gian qua?

Có thể nói, chính sách BHXH, BHYT, BHTN thực sự là trụ cột rất lớn, là “lưới an sinh” rất tốt cho NLĐ khi họ gặp rủi ro trong cuộc sống và trong quá trình lao động, sản xuất. Qua các đợt dịch bệnh vừa rồi, lưới an sinh về BHXH, BHYT, BHTN đã thể hiện rõ những vai trò quan trọng này. Cụ thể:

Thứ nhất, độ bao phủ của các chính sách này càng ngày càng mở rộng. Tôi cho rằng, ấn tượng nhất là BHYT hiện nay đã đạt được con số khá lớn.

Thứ hai, chế độ thụ hưởng của các chính sách bảo hiểm đã thực sự phát huy vai trò “bà đỡ”, là “lưới an sinh” cho NLĐ trong lúc khó khăn, đồng thời tạo niềm tin cho họ khi tham gia các chính sách xã hội. Các chính sách này đã bắt đầu đi vào cuộc sống, tạo được niềm tin rất lớn đối với các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, các chính sách này cũng bộc lộ nhiều tồn tại, vướng mắc, nhiều “lỗ hổng” mà chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện, kể cả trong các chính sách và thực thi. Đánh giá tổng thể, chúng ta thấy rằng, BHXH vẫn chưa bền vững, độ bao phủ còn thấp. Số người được hưởng các chính sách, nhất là sau độ tuổi nghỉ hưu còn thấp, chưa bền vững. Số người rút BHXH một lần tăng rất cao. Những năm gần đây, số người rút BHXH một lần cũng gần bằng số người tham gia BHXH mà chúng ta phát triển. Như vậy, việc thực hiện chính sách này chưa tạo ra sự bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về phát triển hệ thống BHXH, từng bước mở rộng diện bao phủ một cách vững chắc, tiến tới BHXH toàn dân.

Bên cạnh đó, còn tình trạng NLĐ vi phạm các chế độ, chính sách BHXH, nhất là tình trạng các doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH. Việc này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ, khiến họ mất niềm tin khi tham gia hệ thống BHXH.

Trong năm 2022, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện chi trả trợ cấp cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Xin ông có những đánh giá cụ thể về ý nghĩa, vai trò của chủ trương này?

Thời gian qua, trong điều kiện dịch bệnh, các chính sách an sinh xã hội đã phát huy vai trò một cách hết sức tích cực. Trong đó, chúng tôi đánh giá cao nhất là chính sách trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ và giảm mức đóng vào Quỹ BHTN cho người sử dụng lao động.

Đây là một chính sách hết sức kịp thời, nhân văn và đã được triển khai rất nhanh chóng. Theo đó, NLĐ đã được thụ hưởng hơn 31.000 tỷ đồng, giúp giải quyết khó khăn khi dịch bệnh, tạo cho họ niềm tin vào hệ thống chính sách BHXH. Việc trợ cấp này hơn rất nhiều lần các hình thức tuyên truyền để vận động NLĐ tham gia các chính sách bảo hiểm. Bởi qua thực tiễn, NLĐ thấy được vai trò, tác dụng của các chính sách bảo hiểm đã thực sự giúp họ lúc khó khăn.

Tôi cho rằng, chính những chính sách kịp thời và nhân văn như vậy đã giúp NLĐ và người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, nền kinh tế giữ được tốc độ phát triển trong dịch bệnh, NLĐ gắn bó với doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng giảm bớt khó khăn, đồng hành cùng NLĐ vượt qua đại dịch. Có thể khẳng định, chiến thắng đại dịch Covid-19 có đóng góp rất lớn của các chính sách BHXH, trong đó có chính sách hỗ trợ NLĐ về BHTN.

Thưa ông, trong năm 2023, Dự án Luật BHXH sẽ được trình Quốc hội. Ông có kỳ vọng như thế nào trong lần sửa Luật này để đảm bảo quyền lợi tốt hơn nữa cho NLĐ trong tương lai?

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Dự án Luật BHXH và nhiều luật liên quan đến an sinh xã hội sẽ tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi để tạo ra sự đồng bộ trong việc sửa đổi chính sách.

Một trong những quan điểm khi sửa Luật BHXH cũng như các luật an sinh xã hội là phải khắc phục được những tồn tại, hạn chế đã bộc lộ trong thời gian qua, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19.

Chúng tôi kỳ vọng, việc sửa Luật BHXH phải theo quan điểm mà chúng tôi rất tâm đắc, đó là đảm bảo các chính sách này thực sự là “bà đỡ”, là “lưới an sinh” cho NLĐ với tinh thần các chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập theo nguyên tắc đóng hưởng, có sự chia sẻ, minh bạch, công khai, bền vững, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của NLĐ. Các chính sách này phải tạo thuận lợi và niềm tin để NLĐ tham gia BHXH bền vững, đồng thời mở rộng diện bao phủ, tiến tới BHXH toàn dân.

Hiện nay, đối tượng tham gia BHXH còn thấp. Theo đó, Luật sửa đổi phải làm sao mở rộng thêm đối tượng tham gia theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW. Vấn đề là, khi NLĐ đã tham gia các chính sách bảo hiểm, thì các chính sách này phải linh hoạt, tạo sự hấp dẫn cho NLĐ “ở lại” bền vững.

Chẳng hạn, tôi rất kỳ vọng chính sách có thể giảm thời gian tham gia BHXH để được hưởng chế độ hưu trí từ 25 năm xuống còn 15 năm. Hay, chính sách tăng quyền lợi nếu NLĐ “ở lại” trong hệ thống BHXH, tránh tình trạng rút BHXH một lần như hiện nay. Tôi cho đây là những chính sách mà NLĐ rất kỳ vọng.

Vậy, từ góc độ cơ quan bảo vệ quyền lợi của NLĐ, ông có đề xuất, kiến nghị cụ thể nào đối với quá trình sửa Luật BHXH lần này?

Theo chức năng, nhiệm vụ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là đại diện bảo vệ cho quyền lợi của NLĐ và giai cấp công nhân. Khi tham gia Dự án Luật BHXH sửa đổi, chúng tôi là thành viên trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập.

Ở góc độ tổ chức công đoàn, trong lần sửa Luật này, chúng tôi muốn nhấn mạnh là phải linh hoạt, hấp dẫn, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Điều này mới tạo được sự bền vững. Có những chính sách, trong một chừng mực nào đấy có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ thì chúng ta phải hết sức cân nhắc và có lộ trình.

Chúng tôi đề nghị, trong bối cảnh cơ chế thị trường và hội nhập, nếu quyền lợi trước mắt của NLĐ có thể bị ảnh hưởng thì phải có lộ trình, bước đi. Bởi, nếu chúng sửa Luật mà tạo ra những cú sốc thì không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách, mà còn ảnh hưởng cả các vấn đề an toàn trong quan hệ lao động.

Cho nên, chúng tôi rất kỳ vọng lần sửa này sẽ tạo điều kiện thuận lợi khắc phục những tồn tại, hạn chế nhưng phải đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Một số chính sách phải có lộ trình, phải lấy ý kiến rộng rãi để làm sao tránh các cú sốc khi thực hiện chính sách. Còn về cơ bản, chúng tôi hoàn toàn nhất trí quan điểm sửa đổi Luật BHXH đã được xác định theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW rất khoa học và nhân văn./.

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

HỒNG NHUNG (thực hiện)