Nhiều bất cập trong quản lý tài nguyên khoáng sản tại Quảng Ngãi

Kết quả kiểm toán - Ngày đăng : 16:40, 25/12/2022

(BKTO) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) đánh giá, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế trong việc khoanh định khu vực không đấu giá; cấp phép thăm dò và phê duyệt trữ lượng khoáng sản…
qn1.jpg
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có nhiều mỏ khoáng sản làm vật liệu. Ảnh: Báo Thanh niên

Bất cập trong khoanh định khu vực không đấu giá và thăm dò khoáng sản

Thiếu sót lớn được KTNN chỉ ra là địa phương đã không tổ chức khoanh định khu vực không đấu giá đối với cát, sỏi lòng sông nhưng cấp phép khai thác không qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản; khoanh định các khu vực không đấu giá đối với đá làm vật liệu xây dựng và đất san lấp thiếu căn cứ; dẫn đến cấp giấy phép khai thác nhưng không tổ chức đấu giá không đúng quy định của Luật Khoáng sản.

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Quảng Ngãi đã tham mưu cho UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác không qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản cho 21 mỏ cát khi chưa thực hiện khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản là không đúng quy định của Luật Khoáng sản. Điều này làm giảm nguồn thu NSNN khoảng 59,864 tỷ đồng.

Trong 21 mỏ cát nói trên, có 15 khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông làm vật liệu xây dựng thông thường được Sở TNMT căn cứ vào Điều 19 Quyết định số 35/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ngãi (Các mỏ cát được quy hoạch khai thác cung cấp cho các công trình, dự án cụ thể thì không tổ chức đấu giá quyền khai thác) để tham mưu cấp giấy phép khai thác không qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Cùng với đó, địa phương đã thực hiện khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng không có hồ sơ, tài liệu làm cơ sở cho việc khoanh định theo quy định của Luật Khoáng sản và Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.

Qua kiểm toán, KTNN phát hiện tình trạng này diễn ra ở 05 mỏ đá làm vật liệu xây dựng (chưa cấp giấy phép khai thác) và 113 mỏ đất làm vật liệu san lấp (trong đó có 38 mỏ đã cấp giấy phép khai thác, đang khai thác; 07 mỏ đã cấp giấy phép khai thác nhưng chưa khai thác; 68 mỏ chưa cấp giấy phép khai thác).

Đáng chú ý, KTNN còn nêu rõ một thực tế là Sở TNMT chưa chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định Báo cáo kết quả thăm dò; chưa thực hiện giám sát thi công đề án thăm dò khoáng sản; chưa kiểm tra thực địa khu vực thăm dò khoáng sản để làm cơ sở cho việc kiểm tra báo cáo trữ lượng khoáng sản; chưa lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia theo quy định của Chính phủ.

Sở TNMT cũng chưa tham mưu, trình UBND tỉnh xác nhận trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác 02 mỏ đá. Ngoài ra, Sở còn tham mưu phê duyệt trữ lượng đưa vào thiết kế khai thác thấp hơn trữ lượng địa chất nhưng chưa có thuyết minh và chưa đồng nhất giữa các khu vực khoáng sản; chưa tham mưu phê duyệt trữ lượng đối với khoáng sản và thành phần có ích đi kèm theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP.

Vì thế, KTNN kết luận, công tác thẩm định phê duyệt trữ lượng khoáng sản của tỉnh Quảng Ngãi không tuân thủ quy định tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ dẫn đến chưa phê duyệt trữ lượng đối với khoáng sản có ích, khoáng sản đi kèm; phê duyệt thiếu trữ lượng đưa vào thiết kế khai thác.

Kiến nghị được KTNN đưa ra là Sở TNMT cần rà soát các trường hợp được UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng khoáng sản có ích, khoáng sản đi kèm trong Báo cáo kết quả thăm dò, nhưng chưa phê duyệt trữ lượng khoáng sản đưa vào thiết kế khai thác để tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt.

Bên cạnh đó, Sở TNMT cần tổ chức rà soát các khu vực khoáng sản đã khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng không phù hợp với quy định để tham mưu cho UBND xử lý theo quy định của Luật Khoáng sản và Nghị định số 158/2016/NĐ-CP. Cụ thể, cần điều chỉnh khoanh định khu vực khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 69 mỏ do khoanh định không đúng quy định, nhưng chưa cấp giấy phép khai thác; đối với 45 mỏ đã cấp giấy phép khai thác đề nghị tiếp tục rà soát lại hồ sơ căn cứ khoanh định không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thực trạng khai thác để xử lý theo quy định của pháp luật.

Sở TNMT cũng phải chấm dứt việc tham mưu phê duyệt trữ lượng đưa vào thiết kế khai thác thấp hơn trữ lượng địa chất nhưng không thuyết minh và chưa đồng nhất giữa các khu vực khoáng sản; không phê duyệt trữ lượng đối với khoáng sản và thành phần có ích đi kèm theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP.

Sở Tài nguyên và Môi trường chưa làm tốt chức năng, nhiệm vụ

KTNN nêu rõ, có 66 Quyết định phê duyệt trữ lượng không thực hiện cấp giấy phép thăm dò khoáng sản theo Điều 36 Luật Khoáng sản và Điều 25, Điều 58 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP. Địa phương còn sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh để đầu tư thăm dò khoáng sản không đúng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 Nghị định 158/2016/NĐ-CP.

Đến thời điểm kiểm toán, Sở TNMT chưa cung cấp chứng từ liên quan việc các chủ dự án đã hoàn trả lại chi phí đầu tư thăm dò khoáng sản; chưa tham mưu để UBND tỉnh thực hiện công việc lựa chọn tổ chức, cá nhân để cấp giấy phép thăm dò khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Chính phủ. Việc lập, thẩm định hồ sơ, cấp giấy phép thăm dò không có văn bản thể hiện việc đi kiểm tra thực địa; không lấy ý kiến góp ý của một số chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên sâu theo quy định.

Bất cập nữa cần phải kể đến là Sở TNMT không báo cáo được cụ thể số lượng doanh nghiệp không nộp báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản giai đoạn 2017-2021. Việc thực hiện báo cáo định kỳ hoạt động khai thác (năm 2018, 2019, 2020) còn chậm; Báo cáo định kỳ hàng năm của tỉnh chưa phản ánh đúng, đầy đủ các nội dung.

Trong giai đoạn 2017-2021, các đơn vị không gửi báo cáo làm căn cứ lập Báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản, nhưng Sở TNMT chưa có biện pháp để đôn đốc, báo cáo UBND tỉnh để xử lý; chưa thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với 13 dự án chậm nộp tiền ký quỹ phục hồi môi trường số tiền 3,56 tỷ đồng.

Trong công tác tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, Sở TNMT chưa xây dựng Quy chế thu thập, quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường áp dụng trên địa bàn theo Thông tư hướng dẫn của Bộ TNMT về việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường và về thu thập thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường phục vụ lưu trữ, bảo quản, công bố, cung cấp và sử dụng; chưa báo cáo về công tác thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường cho Bộ TNMT theo quy định của Chính phủ.

Do đó, khi kết luận kiểm toán, KTNN kiến nghị Sở TNMT tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Quy chế thu thập, quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường áp dụng trên địa bàn; thực hiện công tác báo cáo về công tác thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường cho Bộ TNMT theo quy định.

Hơn nữa, Sở TNMT cần thực hiện đúng nhiệm vụ được giao về quản lý nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thông qua việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thẩm định Báo cáo kết quả thăm dò, trình UBND tỉnh phê duyệt, công nhận trữ lượng trong báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản; xác nhận trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác theo quy định.

KTNN yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ngãi phải chỉ đạo UBND cấp huyện, các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện phương án quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; lập báo cáo định kỳ năm về tình hình bảo vệ khoáng sản chưa khai thác gửi UBND tỉnh, Sở TNMT trước ngày 09/01 năm sau, đồng thời chỉ đạo Sở TNMT thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao theo Quyết định của UBND tỉnh.

PHÚC KHANG