Bảo hiểm xã hội tự nguyện: “Của để dành” cho người lao động tự do

Xã hội - Ngày đăng : 20:21, 24/12/2022

(BKTO) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là một chính sách an sinh có nghĩa sâu sắc đối với người lao động ở khu vực phi chính thức, lao động tự do, có thu nhập thấp và không ổn định, giúp người tham gia được hưởng lương hưu khi về già. Do đó, người lao động tự do hãy trích một phần thu nhập của mình tham gia BHXH tự nguyện, hãy xem việc tham gia BHXH là một khoản để dành nhất định cho tương lai.

Đây là chia sẻ của PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Kiểm toán.

a1.jpg
PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính

Thưa ông, Luật BHXH thể hiện tính nhân văn, ưu việt, đảm bảo an sinh xã hội và là sự quan tâm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với đời sống nhân dân, trong đó có chính sách BHXH tự nguyện. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của BHXH tự nguyện?

PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh: Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không nằm trong nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì có thể tham gia BHXH tự nguyện, đó là những người lao động tự do, tiểu thương, người nông dân…

Theo đó, khi tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia được hưởng các quyền lợi như: hưởng lương hưu hàng tháng khi về già; được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong suốt thời gian hưởng lương hưu; được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia; lương hưu được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng; được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân; thân nhân được hưởng chế độ tử tuất khi người tham gia qua đời.

Ngoài ra, đối với những người tham gia BHXH bắt buộc, khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng góp thì thay vì chỉ được hưởng BHXH một lần như trước đây, có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện và lựa chọn phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng ngay lương hưu.

Đối với Nhà nước và xã hội, việc người dân tham gia BHXH tự nguyện giúp giảm bớt áp lực, gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc bảo đảm các chính sách an sinh xã hội về lâu dài; đồng thời chung tay với Đảng, Nhà nước cùng thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHXH toàn dân, góp phần củng cố vững chắc hơn nền an sinh xã hội của đất nước.

Mặc dù những lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện có thể thấy rõ, tuy nhiên, hiện nay việc phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện đạt kết quả còn khá khiêm tốn. Theo ông, vì sao người dân nhiều địa phương vẫn chưa "mặn mà" với loại hình bảo hiểm này?

PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến việc phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế.

Trước hết, việc tham gia BHXH tự nguyện là một hình thức đầu tư tài chính dài hạn để đảm bảo cuộc sống khi tuổi già, người tham gia phải trích một phần thu nhập của mình đóng vào Quỹ BHXH trong một thời gian dài. Trong khi đó, thu nhập của người lao động ở khu vực phi chính thức, lao động tự do thường không ổn định, nên nhiều người lao động không có đủ khả năng tài chính để tham gia BHXH tự nguyện liên tục trong một thời gian dài.

Bên cạnh đó, nhiều người lao động mong muốn được hưởng các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động…, nhưng hiện nay, người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất. Trong khi đó, thời gian tham gia BHXH tự nguyện khá dài (20 năm). Đây cũng là một trong những rào cản khiến người lao động chưa thực sự "mặn mà" với BHXH tự nguyện.

Mặt khác, một bộ phận không nhỏ người dân không biết có chính sách BHXH tự nguyện hoặc có biết nhưng hiểu không rõ ràng, không hiểu quyền lợi và cách thức đóng thế nào, mua BHXH tự nguyện ở đâu… nên họ chưa tham gia BHXH tự nguyện.

Ngoài ra, chính quyền một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến chính sách BHXH tự nguyện; sự phối hợp của các cấp, các ngành ở địa phương với cơ quan BHXH có lúc, có nơi chưa thường xuyên, hiệu quả… Điều này cũng ảnh hưởng đến công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.

Vậy để khuyến khích, gia tăng số người tham gia BHXH tự nguyện, góp phần hiện thực hóa mục tiêu BHXH toàn dân, theo ông, cần những giải pháp như thế nào?

PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh: Để khuyến khích, thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện, tôi cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết, về mặt cơ chế, chính sách, hiện nay BHXH bắt buộc được thiết kế với các chế độ ngắn hạn (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp), trong khi BHXH tự nguyện lại chưa có các chính sách này. Trên thực tế, hầu hết những người tham gia BHXH tự nguyện lại chính là nhóm rất cần các chế độ ngắn hạn như vậy vì họ thường là lao động thuộc khu vực phi chính thức. Chỉ có chế độ dài hạn (hưu trí và tử tuất) với thời gian đóng quy định như hiện nay là tối thiểu 20 năm thì không tạo động lực cho người lao động tham gia, đặc biệt là với lao động có thu nhập thấp. Do đó, cần chỉnh sửa, bổ sung các quy định pháp luật theo hướng gia tăng các quyền lợi, chế độ thụ hưởng cho người tham gia để tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện. Đồng thời, cần sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó giúp người dân, người lao động hiểu rõ quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện trên cơ sở nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc chủ trương, quan điểm của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH tự nguyện, từ đó tạo sự đồng thuận, chủ động tham gia.

Đồng thời, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện của cơ quan BHXH; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người tham gia trong quá trình làm các thủ tục; tăng cường kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ đối với tổ chức, bộ máy làm công tác thu, đại lý thu chấn chỉnh kịp thời sai phạm, nhũng nhiễu làm hạn chế kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

DIỆU THIỆN (THỰC HIỆN)