Bài 2: Triển khai nhiệm vụ từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Chuyển biến từ nhận thức đến hành động

Chính trị - Ngày đăng : 14:09, 10/01/2023

Sau 1 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ đặt ra từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021) nhằm xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển văn hóa dân tộc, ngành Văn hóa đã ghi nhận những sự chuyển biến tích cực, từ nhận thức đến hành động.
dsc_0028-1600x1200-.jpg
Phát triển văn hóa để tạo "sức mạnh mềm", thúc đẩy đất nước phát triển bền vững. Ảnh: N.LỘC

Lan tỏa giá trị của văn hóa trong đời sống

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng nêu rõ Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa bởi “văn hóa là hồn cốt của dân tộc… Văn hóa còn thì dân tộc còn”; đồng thời giao nhiệm vụ cho các ngành, các cấp để phát triển văn hóa.

Suốt 1 năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, song đời sống văn hóa cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), ngay sau Hội nghị, Bộ VH,TT&DL đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động về toàn văn nội dung Kết luận của Tổng Bí thư, đặc biệt là phổ biến đầy đủ 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp và quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”; có văn bản gửi các địa phương về trọng tâm cần thực hiện để phát triển văn hóa…

Còn tại địa phương, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đặt ra từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc cũng được tổ chức sâu rộng, thực chất, phù hợp với tình hình địa phương. “Đến nay, tỉnh đã ban hành và thực hiện Kế hoạch hành động triển khai kết luận của Tổng Bí thư, cùng Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” - Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Lai Châu Lương Chiến Công cho biết. 

Theo ông Công, xác định để phát triển văn hóa, cần bắt đầu từ đội ngũ làm công tác văn hóa, năm 2022, ngành Văn hóa địa phương đã tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Theo đó, đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ như, nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyển đổi số ngành thư viện, văn hóa truyền thông, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam…. “Đến nay, đội ngũ cán bộ làm văn hóa từng bước được đảm bảo về số lượng và nâng lên về chất lượng” - ông Công cho biết.

dsc_6693.jpg
Việc phát triển văn hóa, theo tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đang được đẩy mạnh. Ảnh: N.LỘC

Còn theo Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly cho biết, nhằm thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, theo kế hoạch của Bộ VH,TT&DL, Cục đã triển khai thực hiện chương trình “Tổ chức bình chọn các sản phẩm bản ghi âm, ghi hình về nghệ thuật biểu diễn tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19”, chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật và huy động sự tham gia của các nghệ sỹ trên cả nước dàn dựng, biểu diễn các tiết mục nghệ thuật có nội dung, hình thức hấp dẫn, ý nghĩa nhằm lan tỏa truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân Việt Nam; tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc cổ vũ, nâng cao sức mạnh tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch Covid-19… “Vai trò của đội ngũ văn nghệ sỹ trong giai đoạn vừa qua được thể hiện rất rõ trong các hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Các hoạt động đó đã cổ vũ tinh thần cho nhân dân, khắc phục khó khăn, vượt qua đại dịch, từng bước ổn định cuộc sống” - bà Ly nhấn mạnh.

Tập trung xây dựng ngành công nghiệp văn hóa

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành Văn hóa tập trung triển khai theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, đó là tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, coi đây là giải pháp quan trọng để phát triển văn hóa.

Theo PGS,TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội, trong năm vừa qua, việc tập trung phát triển công nghiệp văn hóa có những chuyển biến khá tích cực thể hiện trong từng lĩnh vực. Điển hình là trong điện ảnh, Luật Điện ảnh được xây dựng và ban hành, với tinh thần chủ đạo là hướng tới công nghiệp điện ảnh. Tuy nhiên, để phát triển điện ảnh theo hướng công nghiệp hiện đại, những quy định trong Luật Điện ảnh là chưa đủ, mà các quy định liên quan cần phải được đồng bộ, liên thông. “Có luật Điện ảnh rồi vẫn cần sửa Luật Đất đai để tạo điều kiện cho xây dựng cơ sở điện ảnh ở vị trí thuận lợi; sửa các luật về thuế, để đảm bảo tính pháp lý cho những ưu đãi đối với các nhà làm phim đến Việt Nam đầu tư” - PGS,TS. Bùi Hoài Sơn nói và cho biết thêm rằng, tín hiệu đáng mừng là Quốc hội, Chính phủ đang tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Cho rằng phát triển công nghiệp văn hóa cần được nhìn nhận như một ngành kinh tế, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình dẫn chứng từ lĩnh vực du lịch, ngành đang ngày càng có đóng góp quan trọng hơn cho nền kinh tế. Trong đó, năm 2019 (thời điểm chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh), ngành Du lịch đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2%; phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tăng 6%; tổng thu du lịch đạt 755 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2018. Sau thời gian dài đóng cửa do dịch bệnh, du lịch chính thức mở cửa lại hoàn toàn từ ngày 15/3/2022, khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 ước đạt 3,5 triệu lượt khách, khách nội địa ước đạt 101 triệu lượt (vượt xa chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm). Thể chế, chính sách cho phát triển du lịch ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo động lực lớn để thực hiện mục tiêu đưa “du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững” vào năm 2030.

dsc_0711.jpg
Du lịch trong văn hóa tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột, giúp lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam
ra thế giới. Ảnh: N.LỘC

Còn theo PGS,TS. Nguyễn Thị Thu Phương (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), sở dĩ Việt Nam chưa thể tạo nên được ngành công nghiệp văn hóa với các sản phẩm văn hóa có sức thu hút là do chưa tạo được sự liên kết giữa truyền thống với các giá trị chung mới hiện đại toàn cầu. Do đó, sau những nỗ lực hoàn thiện thể chế, chính sách, người làm trong lĩnh vực văn hóa, các doanh nghiệp cần phải tự đổi mới mình, tranh thủ môi trường thuận lợi để tạo ra những sản phẩm mang giá trị, sự khác biệt để thu hút công chúng. “Du lịch cần có điểm đến mới, sản phẩm độc đáo; nghệ thuật biểu diễn cần có những tác phẩm có tính sáng tạo, đi vào lòng người hơn…” – PGS,TS. Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành Văn hóa diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức, toàn ngành đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhất là cụ thể hóa 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Trong đó, toàn ngành đã chủ động rà soát, phát hiện các điểm nghẽn về thể chế để kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền tháo gỡ. Chỉ 1 năm, Quốc hội đã thông qua 2 bộ Luật, 6 Nghị định của Chính phủ liên quan đến lĩnh vực của ngành.

Đặc biệt, để khơi thông nguồn lực về văn hóa, Bộ đã được giao xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Theo Bộ trưởng, đây là bước đi quan trọng, có tính chất then chốt, quyết định cho sự phát triển của văn hóa trong những năm tiếp theo. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư, nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa; hoàn thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế../.

Năm 2023, lĩnh vực văn hóa phải thực sự đổi mới tư duy làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa. Các sự kiện văn hóa phải thực hiện một cách bài bản, có điểm nhấn, tạo hình ảnh, có sức lan tỏa bám sát mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa.

- Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng - 

N.LỘC