Sri Lanka: Cần tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng

Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 09:19, 27/12/2022

(BKTO) - Vừa qua, tờ Sunday Times của Sri Lanka đã có bài viết với chủ đề “Hoạt động kiểm toán của Sri Lanka hiện thiếu các biện pháp hiệu quả để phòng, chống tham nhũng”.

Theo đó, hơn 200 Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) Sri Lanka đã chỉ ra các hành vi tham nhũng, biển thủ tài chính, hành vi bất thường của các cơ quan nhà nước nhưng không nêu ra bất kỳ hành động nào chống lại các thủ phạm và không có giải pháp nào giúp bồi hoàn các thiệt hại cho nhà nước. Các báo cáo này nêu ra phát hiện về những vụ biển thủ tài chính và những bất thường trong các giao dịch lớn gần đây trong việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, gây ra khoản lỗ hơn 40 tỷ Rupi (109,5 triệu USD) cho kho bạc Chính phủ.

untitled.png
Tham nhũng là một nguyên nhân gây ra khủng hoảng kinh tế. Ảnh sưu tầm

Tình trạng trên trở nên tồi tệ hơn sau khi Ủy ban Hoạt động kiểm toán quốc gia bị giải thể (Ủy ban lần đầu tiên được thành lập theo Luật hiến pháp sửa đổi lần thứ 19 và vận hành trong 5 năm từ 2016 đến 2020). Mặc dù Ủy ban này thiếu các biện pháp bảo vệ theo Hiến pháp, nhưng nó có một số quyền hạn trong việc xử lý kỷ luật đối với các quan chức tham nhũng. Theo một quan chức cấp cao và thành viên lãnh đạo của Hiệp hội Dịch vụ kiểm toán Sri Lanka (SLASA), nguyên nhân của tình trạng trên cũng là do KTNN Sri Lanka thiếu quyền hạn pháp lý để thực thi các kiến nghị của mình. Nếu KTNN không có quyền khởi xướng hành động pháp lý, những Báo cáo kiểm toán này hoặc sẽ được gửi đến cơ quan dự thảo hoặc sẽ bị tiêu huỷ.

Các Báo cáo kiểm toán đều được các Ủy ban giám sát của Nghị viện như Ủy ban Doanh nghiệp công và Ủy ban Tài khoản công xem xét kỹ lưỡng, nhưng sau đó không có hành động nào để hiện thực hoá các kiến nghị kiểm toán. Trách nhiệm của 2 ủy ban này chỉ là đưa ra các kiến nghị sau khi xem xét các Báo cáo kiểm toán và việc thực hiện báo cáo đó lại được giao cho thư ký các Bộ. Tuy nhiên, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán để thực thi pháp luật và thu hồi tài sản từ phát hiện kiểm toán vẫn chưa được chú trọng. Do đó, SLASA đề xuất cần sửa đổi các luật hiện hành liên quan đến hoạt động kiểm toán quốc gia hoặc xây dựng một dự luật kiểm toán mới và ban hành các quy định cụ thể về các mục tiêu chống tội phạm kinh tế./.

Yến Nhi –Hoài Thu