Nửa nhiệm kỳ hành động và những cuộc đối thoại mang sắc thái Diên Hồng

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:10, 03/05/2018

(BKTO) - Đối thoại là hoạt động diễn ra thường xuyên trong gần nửa nhiệm kỳ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Hơn 2 năm qua, trên tinh thần xây dựng một “Chính phủ hành động, kiến tạo”, Thủ tướng đã nhiều lần đối thoại với DN, công nhân và mới đây là cuộc đối thoại đầu tiên với nông dân. Từ những lần đối thoại cởi mở, dân chủ ấy, niềm tin nơi người dân và DN đã được nâng lên…



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị đối thoại với nông dân ngày 09/4-Ảnh: TTXVN
Đối thoại để lắng nghevà thấu hiểu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu nhiệm kỳ của mình bằng sự kiên nhẫn lắng nghe các DN giãi bày vướng mắc tại Hội nghị “Thủ tướng và doanh nhân” vào cuối tháng 4/2016. Quyết định gặp DN chỉ sau 3 tuần Thủ tướng nhậm chức đã cho thấy sự sẵn sàng lắng nghe và hành động của người đứng đầu Chính phủ. Tại buổi Đối thoại này, Thủ tướng đã phát đi thông điệp đổi mới cách thức lãnh đạo, bảo vệ quyền kinh doanh của DN và người dân, phá bỏ mọi rào cản, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện.

Hơn 1 năm sau, vào tháng 5/2017, Hội nghị Thủ tướng với DN tiếp tục diễn ra. Ở lần gặp thứ hai này, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, năm 2017 là năm giảm phí cho DN. Ấn tượng nhất là trước khi Hội nghị kết thúc, Thủ tướng đã mỉm cười và giơ cao Chỉ thị số 20/CT-TTg về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN. Tại Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu không được thanh tra DN quá 1 lần trong năm - 1 quyết định nhanh chóng sau 7 giờ đồng hồ chia sẻ, đối thoại và hiểu thêm những khó khăn của cộng đồng DN.

Gần nửa nhiệm kỳ trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng đã nhiều lần gặp gỡ, đối thoại với DN. Tại những cuộc đối thoại này, Thủ tướng luôn nêu cao tinh thần quyết liệt không để tình trạng “trên trải thảm đỏ nhưng dưới có đinh” trong môi trường đầu tư kinh doanh và hiệu triệu các Bộ, ngành sửa đổi pháp luật, cải cách hành chính, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, phấn đấu cải thiện môi trường kinh doanh đạt mức của nhóm nước ASEAN 4 trước năm 2020.

Không chỉ trực tiếp lắng nghe DN, vừa qua, Thủ tướng đã lần đầu tiên đối thoại với nông dân để thực hiện lời hứa trước Quốc hội. Tại đây, Thủ tướng đã nêu 8 nhóm vấn đề cần được tháo gỡ cho tam nông, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới việc tăng cường dân chủ cơ sở, thường xuyên đối thoại với nông dân. Yêu cầu trên cũng là lời nhắc chung của Thủ tướng đối với đội ngũ cán bộ ở các lĩnh vực, các cấp, các ngành, các địa phương. Bởi đối thoại với nông dân, công nhân hay DN… đều là cách để người lãnh đạo lắng nghe, nắm bắt tình hình và sớm giải quyết những bất cập nảy sinh từ thực tiễn, không để những vướng mắc dồn lại, dễ tích tụ thành bức xúc. Đây là một phần lý do để Chính phủ tiếp tục duy trì cơ chế đối thoại trong nhiệm kỳ này. Tháng 5 tới, Thủ tướng sẽ lần thứ ba đối thoại và giải đáp mọi băn khoăn, thắc mắc liên quan tới phúc lợi của gần 1 nghìn công nhân lao động các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Đối thoại để hành động

Nhìn lại gần nửa nhiệm kỳ qua, có thể thấy, cơ chế đối thoại là một trong những biện pháp hiệu quả, cần thiết để xây dựng một “Chính phủ hành động, kiến tạo”. Hiệu quả này đã phần nào được minh chứng qua thực tế.

Ngay sau cuộc đối thoại với DN năm 2016, thực thi mệnh lệnh của Thủ tướng, nhiều Bộ, ngành đã thông qua Chương trình hành động, ban hành các thông tư, chỉ thị nhằm cải cách hành chính, tạo điều kiện cho DN tiếp cận các nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh. Một năm sau cuộc đối thoại lần đầu tiên ấy, hàng loạt giấy phép con, hàng nghìn thủ tục hành chính đã được bãi bỏ và đơn giản hóa, thời gian đăng ký thành lập DN giảm hơn một nửa số giờ, hàng nghìn kiến nghị được xử lý giải quyết. Điều đó chứng tỏ những tác động tích cực, nhanh chóng của các chính sách và tinh thần đổi mới do Chính phủ khởi xướng.

Không chờ đến 1 năm như lần đối thoại đầu tiên, ngay sau cuộc đối thoại lần thứ hai với DN (tháng 5/2017), Chính phủ đã xem xét, ban hành hơn 60 nhiệm vụ cho 14 Bộ, ngành để tiếp tục thực hiện Nghị quyết về phát triển DN. Cùng với đó, yêu cầu giảm thiểu số lần thanh tra đối với DN trong 1 năm của Thủ tướng Chính phủ đã được nhiều Bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện. Đơn cử, trong lĩnh vực kiểm toán, chưa đầy 2 tháng Chỉ thị số 20/CT-TTg ra đời, ngày 03/7/2017, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 1034/CT-KTNN về chấn chỉnh hoạt động kiểm toán tránh chồng chéo, trùng lặp. Đồng thời, KTNN và Thanh tra Chính phủ cũng đã ngồi lại với nhau để họp bàn, thống nhất kế hoạch thanh tra, kiểm toán năm 2018.

Trong gần nửa nhiệm kỳ, nhiều thông điệp ý nghĩa từ hàng loạt cuộc đối thoại lớn nhỏ đã được phát đi. Những thông điệp ấy dù khác nhau về câu chữ nhưng cùng chung tinh thần quyết liệt cải cách vì một thể chế mới và môi trường kinh doanh thông thoáng, công bằng. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Thủ tướng, hơn 2 năm qua, các Bộ, ngành đã tích cực vào cuộc rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh. Đi đầu là Bộ Công Thương với phương án cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh trong tổng số 1.216 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Mới đây, Bộ Giao thông vận tải cũng đã quyết định cắt giảm, đơn giản gần 400 điều kiện; Bộ Tài chính cũng đã rà soát 370 điều kiện kinh doanh ban đầu và kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa 188 điều kiện…

Tuy nhiên, kết quả trên vẫn còn khiêm tốn; tốc độ rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh giữa các Bộ vẫn chưa đồng đều, có Bộ đã gần đến đích, có Bộ mới ở chặng đầu, nhưng có Bộ còn chưa vào điểm xuất phát của chặng đường cải cách. Thậm chí, đâu đó tại các địa phương, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong thực hiện vẫn còn. Dù vậy, nhìn lại các cuộc đối thoại mang sắc thái của Hội nghị Diên Hồng trong gần nửa nhiệm kỳ qua, người dân và DN vẫn tin rằng, mọi rào cản, vướng mắc đều có thể được gỡ bỏ thông qua cơ chế đối thoại thường xuyên, thẳng thắn và cởi mở. Việc duy trì cơ chế này giúp Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương luôn nắm bắt tình hình, kịp thời đưa ra những chính sách sát hợp với thực tế. Đó còn là con đường hướng tới một “Chính phủ hành động, kiến tạo” vì người dân và DN.

ĐỨC THÀNH
Theo Báo Kiểm toán số 17+18/2018