Sáp nhập sở, ngành để nâng cao hiệu quả của bộ máy
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:15, 03/05/2018
(BKTO) - Hà Nội và TP. HCM dự kiến còn không quá 20 sở, ngành. Các tỉnh còn lại từ 17 - 19 sở, ngành tùy theo loại đơn vị hành chính… Đây là nội dung được đề cập trong Dự thảo tờ trình Nghị định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố đang được Bộ Nội vụ công bố lấy ý kiến.
Theo Bộ Nội vụ, trong số hàng chục sở, ngành được đề xuất sáp nhập với nhau hoặc hợp nhất với các cơ quan của Đảng, có 4 sở, ngành được giữ lại và tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước (Tư pháp; Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế).
Cũng theo phương án này, Sở Kế hoạch và Đầu tư hợp nhất với Sở Tài chính thành Sở Tài chính - Kế hoạch; Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải - Xây dựng… Bộ Nội vụ lý giải rằng, đây là các sở có mối quan hệ liên thông với nhau. Việc hình thành 1 cơ quan quản lý thống nhất 2 lĩnh vực này sẽ bảo đảm nâng cao tính hiệu quả, khắc phục những bất cập chồng chéo, thiếu đồng bộ trong các lĩnh vực phụ trách trước đây, đồng thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Bàn về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất của Bộ Nội vụ vẫn còn “thoáng” cho nhiều địa phương và cần mạnh tay làm để bỏ lối tư duy “đã lên không xuống, đã vào không ra”.
Đánh giá cao đề xuất của Bộ Nội vụ đưa ra, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - nhấn mạnh: “Đây là một bước đột phá rất mới, theo đúng tinh thần Nghị quyết của Hội nghị T.Ư 6 khoá XII và Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Tuy nhiên, về nội dung đề xuất, ông Hòa vẫn còn một số băn khoăn, như việc sáp nhập sở, nhưng ở cấp Bộ lại có 2 cơ quan, liệu có thống nhất đầu mối không? Do đó, theo vị đại biểu này, về lâu dài, tỉnh, thành phố và Bộ, ngành cũng cần tính đến bước sáp nhập, hợp nhất. “Nếu sắp xếp nhỏ, gọn lại thì số lượng tỉnh, thành phố giảm dẫn đến tổ chức bộ máy biên chế giảm, giúp tiết kiệm ngân sách, giảm các thủ tục hành chính” - ông Hoà nói.
Ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - đánh giá: Việc sáp nhập cũng là cơ hội để sàng lọc cán bộ, công chức yếu kém, không đủ tư cách, phẩm chất. “Đích cuối cùng vẫn là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước” - ông Tiến nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông Tiến cũng đề nghị Bộ Nội vụ cần xem xét đề xuất bổ sung chế độ hợp lý cho những người bị tinh giản, ví dụ như một khoản tiền, khoản vốn nhất định để họ có thể đảm bảo cuộc sống cơ bản bước đầu sau khi ra khỏi cơ quan nhà nước.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng, đề xuất sáp nhập sở, ngành sẽ đụng chạm lợi ích của nhiều cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo, người đứng đầu. Do đó, theo ông Can, quyết tâm chính trị của T.Ư cần được thể hiện rõ và kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân đi ngược, trì hoãn hoặc làm sai lệch chủ trương chung.
P.HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 17+18/2018
Theo Báo Kiểm toán số 17+18/2018