Để không ai đứng ngoài “lưới an sinh”
Xã hội - Ngày đăng : 07:26, 28/12/2022
Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đinh Ngọc Quý: Xây dựng “văn hóa BHXH” cho mọi người dân, người lao động
Trong tổng thể chính sách an sinh xã hội ở nước ta, nhóm chính sách cơ bản nhất thường được nhắc đến như những trụ cột chính và lâu dài là chính sách BHXH, BHYT. Các chính sách an sinh xã hội, nhất là BHXH đã giúp cho người lao động có cuộc sống tối thiểu, ổn định, bù đắp những khó khăn nhất định khi người lao động nghỉ hưu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Chính sách BHYT phát huy vai trò quan trọng, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng gia tăng và giảm chi phí khi đi khám, chữa bệnh cho người dân; đồng thời cũng giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn, giúp những người khó khăn khi ốm đau giảm thiểu rủi ro, tránh tình trạng nghèo hóa.
Tuy nhiên, đối với chính sách BHXH, tỷ lệ bao phủ so với lực lượng lao động trong độ tuổi còn khá khiêm tốn (chỉ hơn 37%). Như vậy, vẫn còn một nhóm khá lớn người lao động chưa tham gia BHXH và chủ yếu trong lĩnh vực phi chính thức. Đây cũng chính là thách thức lớn trong bảo đảm an sinh xã hội bền vững ở nước ta và trong phát triển đối tượng tham gia BHXH nói riêng.
Vì vậy, xây dựng “văn hóa BHXH” cho mọi người dân, người lao động là một trong những nhiệm vụ đòi hỏi nỗ lực không chỉ ở ngành BHXH Việt Nam, mà còn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chỉ khi nào người dân, doanh nghiệp và bộ máy chính quyền các địa phương nhận thức rõ trách nhiệm của mình, coi BHXH là vấn đề mang tính chất sống còn trong việc bảo đảm an sinh xã hội, thì công tác này mới có thể chuyển biến mạnh mẽ hơn.
Hiện nay chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu tự giác tham gia BHXH, mà đang phải sử dụng khá nhiều cơ chế hành chính, tuyên truyền, vận động… Để chuyển hóa sang tự giác, đòi hỏi sự thay đổi và thời gian để làm sao cứ tham gia thị trường lao động là người lao động và người sử dụng lao động phải nghĩ ngay đến việc tham gia BHXH.
Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An (Đoàn Cao Bằng): Chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trở thành “chiếc phao cứu sinh” của người lao động trong bối cảnh dịch bệnh
Những năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã phát huy tốt vai trò và tính hiệu quả trong quá trình xây dựng cũng như tổ chức triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về chính sách BHXH, BHYT, nhất là thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân; giải quyết, đảm bảo đầy đủ chế độ, quyền lợi của người tham gia.
Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua, ngành BHXH Việt Nam đã bám sát các chủ trương, chính sách của Quốc hội, Chính phủ về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tập trung huy động mọi nguồn lực sẵn có, rút gọn tối đa các công đoạn, thủ tục, thời gian và tìm mọi giải pháp để giải quyết; đẩy mạnh truyền thông sâu rộng tới người lao động, người sử dụng lao động để có thể tiếp cận các gói hỗ trợ nhanh nhất, sớm nhất và đảm bảo đúng, đủ, kịp thời, minh bạch. Qua đó đã góp phần giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống của người lao động, đồng thời đảm bảo tốt nhất quyền lợi an sinh cho người tham gia BHXH, BHTN. Chính sách BHXH, BHTN, BHYT thực sự trở thành “chiếc phao cứu sinh” của nhiều người lao động, giúp họ vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh.
Qua giám sát tại địa phương cho thấy, BHXH tỉnh Cao Bằng đã tổ chức thực hiện rất tốt công tác giải quyết chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động, người lao động từ Quỹ BHTN tại địa phương, được cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp, người lao động ghi nhận và đánh giá cao. Qua đó cho thấy tính chủ động, quyết liệt, tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam trong công tác đảm bảo an sinh xã hội cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; góp phần quan trọng trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh): BHXH, BHYT chia sẻ gánh nặng tài chính với gia đình và xã hội
Chính sách an sinh xã hội tác động lớn đến đời sống nhân dân; đặc biệt chính sách BHXH, BHYT là “lưới an sinh” quan trọng, hỗ trợ người dân vượt qua các rủi ro do ốm đau, bệnh tai nạn - bệnh nghề nghiệp…
Trong thời gian qua, chính sách BHYT đã giúp giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là đối với nhóm người yếu thế trong xã hội. Còn chính sách BHXH bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc tử vong.
Chế độ hưu trí với phương châm “khi trẻ đóng- khi về già hưởng”, hay “người khỏe đóng- người ốm hưởng” trong thực hiện chế độ BHYT đã thể hiện rõ chức năng chia sẻ rủi ro, chia sẻ gánh nặng tài chính với gia đình và xã hội.
Việt Nam hiện có hơn 17 triệu người tham gia BHXH, chiếm 37,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 90 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 90% dân số. Theo định hướng của Đảng và Nhà nước, chúng ta sẽ phấn đấu tiến tới thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân. Điều này tiếp tục cho thấy vai trò rất quan trọng của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội đất nước.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19, ngành BHXH Việt Nam đã rất nỗ lực thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội nói chung và các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ nói riêng, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân, người lao động. Những nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ ghi nhận. Cá nhân tôi đánh giá cao nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam khi chỉ trong thời gian ngắn, toàn Ngành đã tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời và thuận tiện nhất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Để hướng đến mục tiêu BHXH toàn dân, tôi cho rằng, trong thời gian tới cần đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW, để mọi người dân biết, hiểu và tích cực tham gia BHXH, BHYT, để không ai đứng ngoài “lưới an sinh”./.