Tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 15:15, 03/05/2018
(BKTO) - Hiện nay, tình trạng chồng chéo trong các văn bản pháp luật được coi là rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư xây dựng. Việc tập trung tháo gỡ những vướng mắc về thể chế đang là một yêu cầu cấp bách nhằm “cởi trói” cho lĩnh vực này.
Tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng thường bị kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư xây dựng các công trình -Ảnh: TS
12 Luật và 20 nghìntiêu chuẩn
Theo thống kê hiện nay, hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 Luật khác nhau và rất nhiều Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành và hơn 20 nghìn tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác.
Nhận định về các khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, quy định pháp luật hiện nay trong hoạt động đầu tư xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, những khó khăn, vướng mắc này tồn tại ở tất cả các giai đoạn, từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, giai đoạn thực hiện dự án, giai đoạn kết thúc xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác. Ngoài ra, còn có những bất cập trong thực hiện các dự án đầu tư thực hiện theo hình thức đối tác công tư PPP.
Dẫn chứng cụ thể những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, có nhiều vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật NSNN, Luật Xây dựng. Đơn cử, nhiều dự án đầu tư tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản vẫn phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư vì loại dự án này được xếp vào dự án nhóm A, dẫn tới phát sinh thủ tục hành chính, qua nhiều cấp quản lý, mất nhiều thời gian để chuẩn bị và thực hiện.
Bên cạnh đó, Kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa thống nhất, chưa kế thừa lẫn nhau với Kế hoạch tài chính 5 năm và Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm. Thời gian xin chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án thuộc thẩm quyền của HĐND các cấp thường dài, bởi HĐND họp 2 kỳ/năm, nhiều dự án cần triển khai ngay nhưng phải chờ, ảnh hưởng tới tiến độ dự án...
Đến giai đoạn thực hiện dự án thì các vướng mắc chủ yếu liên quan đến Luật Đất đai như tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng thường bị kéo dài. Thời gian hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bình quân mất khoảng 20 tháng, đặc biệt, nhiều dự án bị kéo dài từ 5 - 10 năm do đơn giá đền bù đất, công trình trên đất chưa theo cơ chế thị trường…
Tháo gỡ vướng mắc từ thể chế
Theo thống kê, 2 năm trở lại đây, đầu tư công rơi vào tình trạng chậm giải ngân. Thời gian quyết toán vốn dự án hoàn thành của nhiều dự án bị kéo dài so với quy định. Năm 2016, có tới hơn 12,2 nghìn dự án vi phạm thời gian quyết toán (chiếm trên 14% dự án hoàn thành), trong đó, hơn 5,4 nghìn dự án vi phạm thời gian quyết toán trên 2 năm, tăng hơn 1,1 nghìn dự án (27%) so với năm 2015.
Đưa ra những giải pháp cho thực trạng này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đề xuất, Chính phủ cần rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng. Nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu lực thống nhất và tính khả thi của hệ thống pháp luật, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành đề xuất, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước được giao theo đề xuất của Bộ Xây dựng; giao Bộ Tư pháp tổng hợp, đề xuất chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ từng năm cho đến năm 2020 để các Bộ chủ động thực hiện theo phân công.
Về phía DN, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp đề xuất, ngoài chế tài, ràng buộc với nhà thầu, cần có thêm các chế tài với chủ đầu tư để nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư trong thực hiện hợp đồng, giải ngân vốn và thanh toán đúng thời hạn cho nhà thầu. Chẳng hạn, bổ sung điều khoản bảo lãnh thanh toán đối với các chủ đầu tư ít nhất là 30% của cùng một giá trị gói thầu nhằm đảm bảo tính công bằng giữa các DN, tránh cho các DN xây dựng rơi vào tình trạng nợ đọng xây dựng triền miên như hiện nay...
Đưa ra yêu cầu phải tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hệ thống pháp luật về xây dựng rất lớn. Sự chồng chéo trong các văn bản pháp lý liên quan được coi là rào cản lớn nhất trong công tác đầu tư xây dựng. Về giải pháp cho vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Trước mắt, cần tập trung tháo gỡ thể chế, pháp luật, hoàn thiện khung pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng. Đặc biệt, xử lý những cá nhân, tổ chức "ngâm lâu" hồ sơ, chỉnh đốn thái độ vô cảm, vô trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân làm chậm trễ quá trình xây dựng.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ: Bộ Xây dựng hoàn thiện, trình Quốc hội Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị, tiếp tục hoàn thiện Dự thảo sửa đổi các Luật Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và Quy hoạch đô thị trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu; Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, thống nhất chính sách đối với các dự án chậm triển khai sau thu hồi đất...
HOÀNG LONG
Theo Báo Kiểm toán số 17+18/2018