Gỡ nút thắt trong phát triển giao thông đường thủy

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 15:20, 03/05/2018

(BKTO) - Được thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi trong việc phát triển mạng lưới giao thông đường thủy (GTĐT). Tuy nhiên, trên thực tế, do nguồn vốn và khả năng kết nối còn hạn chế nên tiềm năng của GTĐT chưa biến thành nguồn lực góp phần phát triển kinh tế đất nước.



Việc phát triển GTĐT vẫn gặp nhiều khó khăn -Ảnh: TS

Khó khăn về nguồn vốn

Việt Nam là một trong số ít quốc gia được thiên nhiên ưu đãi cho hệ thống sông, kênh dày đặc, đứng thứ 4 trên thế giới. Tổng chiều dài gần 42.000 km, trong đó, hơn 3.500 km sông, kênh chính và hơn 3.200 km bờ biển... đã tạo thành mạng lưới giao GTĐT thuận lợi. Dù vậy, hệ thống GTĐT Việt Nam nhiều năm qua chưa thể bứt phá phát triển. Nguyên nhân là do thiếu vốn, vướng cơ chế, trang thiết bị lạc hậu, không có sản xuất quy mô lớn. Điều này dẫn đến tình trạng GTĐT gặp khó trong việc quy hoạch cũng như kết nối với các phương thức vận tải khác như đường bộ, đường sắt...

Trong số những khó khăn nêu trên, khó khăn về nguồn vốn chính là vấn đề nan giải nhất mà GTĐT đang gặp phải. Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Quốc Hùng, tính đến hết năm 2017, tổng dư nợ cho vay đường thuỷ chỉ đạt 0,4% tổng dư nợ nền kinh tế. Hệ thống cảng, sự kết nối và kho cảng bến bãi cần đầu tư chi phí quá lớn, trong khi các DN đều phải vay theo lãi suất bình thường, không có chính sách ưu đãi nào.

Ông Hùng cũng chỉ ra rằng, các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển hạ tầng GTĐT đã có. Minh chứng là, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển đường thủy nội địa; Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết phát triển GTĐT nội địa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Thế nhưng, những chính sách đó chưa đầy đủ, thiếu cập nhật; điều này khiến DN thiếu tin tưởng để đầu tư, khó huy động vốn từ các TCTD. Hơn nữa, chính sách có nhưng các ngành, các cấp đã thực sự vào cuộc hay chưa là một vấn đề cần xem xét - ông Hùng nêu câu hỏi.

Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hội Vận tải Thủy nội địa Việt Nam Trần Đỗ Liêm cho biết, 40 năm qua, Nhà nước đã có văn bản hỗ trợ phát triển vận tải thủy nội địa nhưng chưa được triển khai ở địa phương, chưa có gói tài chính ưu đãi nào dành riêng cho việc phát triển phương tiện và nguồn nhân lực GTĐT, trong khi DN đang nộp đủ các sắc thuế và lệ phí chính thức lẫn phi chính thức.

Từ góc độ DN, đại diện Công ty cổ phần Vận tải Thuận Hải (Vũng Tàu) cho rằng, trong quá trình hoạt động, hệ thống GTĐT còn nhiều bất cập, cơ quan quản lý chưa quan tâm nên hầu như không có chính sách ưu đãi gì. Bên cạnh đó, dù các phương tiện do Cảng vụ Hàng hải quản lý nhưng thời gian qua, nhiều cơ quan chức năng khác thi nhau kiểm tra. Một tuyến đường sông dài khoảng 150 km có tới 18 - 20 trạm kiểm tra chính thức và không ít trạm không chính thức khác.

Tăng tính kết nối tổng thể

Để đẩy mạnh phát triển GTĐT trong thời gian tới, đại diện Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ GTVT và Bộ Tài chính chủ trì triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ, tạo nguồn vốn cho các DN. Bên cạnh đó, cần có quy hoạch đồng bộ, chi tiết phát triển GTĐT các khu vực phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Liên quan tới việc kết nối các phương thức vận tải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinalines Logistics Mai Lê Lợi đề xuất, Nhà nước nên ưu tiên phát triển các cảng nước sâu có quy mô đủ lớn tại các vùng trọng điểm kinh tế và biến các cảng này tạo thành những điểm nút logistics kết nối các phương thức vận tải và cũng là các đầu mối kết nối với các tuyến hàng hải quốc tế. Đồng thời, cần xây dựng quy hoạch, khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống điểm thông quan nội địa (ICD), kho bãi, cảng thủy nội địa và mạng lưới GTĐT nội địa, đường bộ, đường sắt nhằm kết nối đến các cảng nước sâu, phát huy tối đa tính hệ thống, tính tổng thể của mạng lưới logistics nội địa. Các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu, phát triển hệ thống quản lý cảng, bến thủy nội địa, ICD để có thể áp dụng chung trên toàn quốc, đảm bảo tương thích với các phần mềm của các cảng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, kết nối.

Đồng quan điểm, ông Trần Đỗ Liêm cho rằng, việc phát triển GTĐT nội địa cần hướng đến 2 mục tiêu: có cảng khu vực để gắn kết logistics cho vùng; có cảng, bến địa phương để phát triển kinh tế địa phương. Để làm được việc đó, cần có văn bản pháp luật quy định cụ thể làm cơ sở pháp lý khuyến khích nhà đầu tư xây dựng cảng, bến theo các hình thức BOT, BT… Bên cạnh đó, cần khuyến khích phát triển DN vận tải thủy có quy mô trung bình và lớn tại ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, các trạm kiểm tra không bắt buộc đối với các phương tiện đang hành trình cần được giảm bớt để tiết kiệm chi phí, thời gian cho DN.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 17+18/2018