Yêu cầu mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của kiểm toán viên

Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 11:16, 29/12/2022

(BKTO) - Vừa qua, Tạp chí Kế toán Journal of Accountancy trực thuộc Hiệp hội Kế toán công chứng quốc tế đã đăng bài viết về Khái niệm và các yêu cầu mới về rủi ro tiềm tàng theo Chuẩn mực kiểm toán số 145 (SAS 145) – Hiểu biết về đơn vị, môi trường của đơn vị và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu.

Hướng dẫn đánh giá rủi ro sửa đổi yêu cầu kiểm toán viên áp dụng các khái niệm mới cho các cuộc kiểm toán năm 2023. Khái niệm về rủi ro tiềm tàng vẫn là nền nền tảng cơ bản trong quy trình đánh giá rủi ro, khái niệm này có một số sửa đổi để nâng cao tính rõ ràng và hiệu lực của một cuộc kiểm toán rủi ro đã xác định là cơ sở cho các thủ tục kiểm toán tiếp theo, quá trình xác định những rủi ro đó là rất quan trọng.

bao-2_20220908110441.jpg
Đánh giá rủi ro đóng vai trò quan trọng trong kiểm toán. Ảnh sưu tầm

SAS 145 đưa ra các yếu tố rủi ro tiềm tàng và các yêu cầu mới để xem xét các yếu tố đó trong quá trình đánh giá rủi ro. Các yếu tố rủi ro tiềm tàng nhằm hướng kiểm toán viên đến các vấn đề ảnh hưởng đến tính dễ bị sai sót của cơ sở dẫn liệu, giúp tập trung vào việc xác định rủi ro có sai sót trọng yếu. SAS 145 định nghĩa một thuật ngữ mới, các yếu tố rủi ro tiềm tàng là “đặc điểm của các sự kiện hoặc điều kiện ảnh hưởng đến khả năng có sai sót, do gian lận hoặc nhầm lẫn, của một cơ sở dẫn liệu về một nhóm giao dịch, số dư tài khoản trước khi xem xét các biện pháp kiểm soát”.

Chuẩn mực này yêu cầu phải xem xét các yếu tố rủi ro tiềm tàng trong các thủ tục kiểm toán để hiểu rõ đơn vị và môi trường của đơn vị cũng như khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính. Kiểm toán viên cần phải có được sự hiểu biết về các yếu tố rủi ro tiềm tàng tác động đến khả năng sai sót trọng yếu của các cơ sở dẫn liệu mà mức độ tác động đến báo cáo tài chính. Yếu tố rủi ro tiềm tàng cũng cần được xem xét khi đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu. Các yếu tố rủi ro tiềm tàng cũng là một chủ đề lớn cần thảo luận khi đoàn kiểm toán nghiên cứu việc áp dụng khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính và tính dễ bị sai sót trọng yếu của báo cáo tài chính của đơn vị. Đánh giá rủi ro là thủ tục cơ bản để có một cuộc kiểm toán hiệu quả.

Những thay đổi trong SAS 145 nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động của kiểm toán viên. Việc đánh giá rủi ro tiềm tàng một cách thích hợp, việc xem xét các yếu tố rủi ro tiềm tàng mới được đưa vào sẽ giúp kiểm toán viên thực hiện hiệu quả và hiệu lực hơn các thủ tục kiểm toán tiếp theo và cải thiện chất lượng kiểm toán tổng thể./.

Yến Nhi – Nguyễn Thúy