Quảng Ngãi: Tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, lãng phí tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
Kết quả kiểm toán - Ngày đăng : 15:26, 29/12/2022
Xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chưa đúng quy định
Theo KTNN, trong giai đoạn 2017-2021, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại tỉnh Quảng Ngãi chưa thực hiện đúng theo Luật Khoáng sản, nhất là các khu vực phải thực hiện đấu giá nhưng địa phương không tổ chức, dẫn đến cấp giấy phép khai thác tại 21 khu vực cát, sỏi lòng sông không đúng qui định; ủy quyền cho các huyện, thành phố tổ chức đấu giá và cấp phép khai thác không đúng thẩm quyền; tổ chức đấu giá các khu vực khoáng sản nhưng không phê duyệt kế hoạch.
Trong công tác thẩm định hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Quảng Ngãi chưa xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khối lượng 854.938m3; diện tích 36,73ha theo quy định. Có 03 hồ sơ đã được Sở TNMT xác định số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trước khi tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt; 07 hồ sơ đã hết thời hạn khai thác theo kế hoạch được phê duyệt nhưng các đơn vị vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ với NSNN về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Cụ thể, Sở TNMT đã tham mưu cho UBND tỉnh đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại 04 khu vực khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường nhưng không tổ chức lập kế hoạch và thông báo khu vực đấu giá. Sở cũng không lập hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản; không gửi kèm hồ sơ yêu cầu về công nghệ khai thác, chế biến sâu và sử dụng khoáng sản đối với khu vực khoáng sản đã có kết quả thăm dò theo quy định.
Đồng thời, việc Sở TNMT áp dụng giá khởi điểm cho đấu giá quyền khai thác các mỏ cát vàng làm vật liệu xây dựng thông thường là 14.000 đồng/m3 theo Quyết định số 483/QĐ-UBND ngày 30/3/2016 và tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt giá khởi điểm đối với khu vực khoáng sản đã có kết quả thăm dò là không đúng quy định của Bộ TNMT và Bộ Tài chính. Cũng liên quan đến phát hiện này, KTNN yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ngãi bãi bỏ Quyết định số 483/QĐ-UBND do không phù hợp với quy định của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 3 Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC.
Đánh giá về công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh, KTNN đã phát hiện, trong xây dựng kế hoạch đấu giá có 61 khu vực khoáng sản (diện tích 746,9ha) được Sở TNMT lập, tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch đấu giá khi chưa có Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch đấu giá tại 07 khu vực khoáng sản trong khi các khu vực này đã được cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng và cấp giấy phép khai thác khoáng sản (khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản) là không đúng quy định của Luật Khoáng sản.
Có 02 Kế hoạch đấu giá được Sở TNMT tham mưu cho UBND tỉnh ban hành có các nội dung không phù hợp với các quy định pháp luật, tuy nhiên sau đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định hủy bỏ.
Trong tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, UBND tỉnh ủy quyền cho các huyện, thành phố cấp giấy phép khai thác đối với 38 khu vực khoáng sản (sản lượng 110.350,2m3) không đúng thẩm quyền, sau đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định bãi bỏ. Ngoài ra, có 77 khu vực khoáng sản (chiếm 84,5%) được phê duyệt kế hoạch từ năm 2016 nhưng không tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định.
Liên quan đến công tác thẩm định, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, KTNN nêu rõ 01 doanh nghiệp được Sở TNMT xác định lại số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp cao hơn quy định của Chính phủ. Cơ quan này cũng chưa quy đổi giá tính thuế tài nguyên để xác định giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dẫn đến xác định thiếu số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp 3,89 tỷ đồng.
Bất cập nữa được phát hiện qua kiểm toán là tỉnh đã cho phép khấu trừ 179 triệu đồng vào tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp tại 01 mỏ cát trong khi chưa thực hiện các thủ tục trả lại phần diện tích khu vực khoáng sản không khai thác, chưa điều chỉnh giấy phép khai thác và điều chỉnh Quyết định tiền cấp quyền khai thác.
Ngoài ra, có 03 trường hợp xác định trữ lượng để tính tiền cấp quyền khai thác không căn cứ vào trữ lượng địa chất đưa vào thiết kế khai thác đã được UBND tỉnh phê duyệt, dẫn đến xác định thiếu trữ lượng và số tiền cấp quyền phải nộp 21,56 tỷ đồng.
Đồng thời, có 02 trường hợp được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo kết quả thăm dò có tổng trữ lượng đất dùng làm vật liệu san lấp (hơn 1,27 triệu m3), nhưng Sở TNMT không tham mưu cho UBND tỉnh xác nhận trữ lượng khoáng sản đưa vào thiết kế khai thác, dẫn đến không xác định trữ lượng để tính tiền cấp quyền khai thác và số tiền cấp quyền phải nộp.
Kiến nghị thống nhất chính sách và chấn chỉnh những bất cập
Tuy nhiên, qua kiểm toán, KTNN cũng nhận thấy rõ những bất cập trong cơ chế, chính sách hiện hành. Cụ thể, thời điểm xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản giữa Nghị định số 158/2016/NĐ-CP và Nghị định số 67/2019/NĐ-CP của Chính phủ chưa có sự thống nhất.
Tại điểm b khoản 2 Điều 62 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP quy định: việc xác định nghĩa vụ và nộp tiền cấp quyền đối với trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình được thực hiện cùng với việc phê duyệt hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản “Trong thời gian không quá 25 ngày, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải hoàn thành việc thẩm định các tài liệu, hồ sơ và các nội dung khác có liên quan đến việc khai thác khoáng sản và xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản”.
Song khoản 4 Điều 9 Nghị định số 67/2019/NĐ-CP hướng dẫn “Thời điểm nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các trường hợp thu hồi khoáng sản không phải thăm dò ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc thu hồi cát, sỏi từ các dự án nạo vét lòng sông, cát nhiễm mặn từ các dự án nạo vét đường thủy nội địa, vùng nước cảng được thu hàng năm theo tờ khai quyết toán thuế tài nguyên cuối năm”.
Thực tế qua hoạt động kiểm toán cho thấy, các trường hợp được UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình có thực hiện việc khai quyết toán thuế tài nguyên cho cơ quan thuế nhưng chậm trễ hoặc không thực hiện kê khai tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho cơ quan tài nguyên. Đồng thời, cơ quan tài nguyên chưa có cơ chế và biện pháp quản lý thu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thất thoát, lãng phí về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Trong bối cảnh đó, KTNN kiến nghị Bộ TNMT xem xét, nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 158/2016/NĐ-CP và Nghị định 67/2019/NĐ-CP để thống nhất về thời điểm xác định và nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Cùng với việc yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo Sở TNMT xác định, điều chỉnh số tiền cấp quyền phải nộp hàng năm chưa đúng quy định, KTNN kiến nghị Sở TNMT phải chấn chỉnh những bất cập, thiếu sót đã được chỉ ra qua kết quả kiểm toán.
Trong đó, Sở TNMT phải tổ chức rà soát các trường hợp được UBND tỉnh phê duyệt khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản trong phạm vi công trình dự án nhưng chưa xác định tiền cấp quyền để yêu cầu các đơn vị kê khai sản lượng và xác định số tiền cấp quyền phải nộp NSNN.
Đồng thời, Sở TNMT cần phải xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân trong việc xác định thiếu trữ lượng, chưa nhân hệ số quy đổi và cho phép khấu trừ vào tiền cấp quyền phải nộp trái quy định, làm thất thu NSNN về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản số tiền 25,64 tỷ đồng.