Kiểm toán nhà nước ngày càng khẳng định vị thế, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 18:04, 29/12/2022
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Hải cho biết, những tháng đầu năm 2022, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, hoạt động kiểm toán cũng bị tác động, ảnh hưởng, song KTNN đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tích cực đổi mới, làm việc với tinh thần quyết liệt và đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các mặt công tác.
Thứ nhất, hoạt động của KTNN luôn bám sát định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), đặc biệt là ý kiến của các đại biểu Quốc hội, qua đó, chất lượng kiểm toán tiếp tục được nâng lên.
KTNN đã hoàn thành toàn diện các kế hoạch đã đề ra. Kết quả kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 55.906 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước 3.070 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 25.687 tỷ đồng. Trong điều kiện ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, việc tăng thu, giảm chi số tiền lớn như vậy có ý nghĩa hết sức thiết thực.
Đồng thời, Ngành đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 243 văn bản để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính, ngân sách; cung cấp 830 báo cáo kiểm toán và các hồ sơ, tài liệu liên quan cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cùng nhiều báo cáo, tài liệu phục vụ các phiên họp của UBTVQH, các Đoàn giám sát của Quốc hội; đã chuyển 08 vụ việc có dấu hiệu sai phạm sang cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, năm 2022, KTNN có một bước tiến lớn trong thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật KTNN; đã báo cáo Quốc hội, UBTVQH ý kiến về chủ trương đầu tư đối với 05 dự án quan trọng quốc gia, với nhiều ý kiến được Quốc hội, UBTVQH ghi nhận, đánh giá cao, cung cấp nhiều thông tin, tài liệu thiết thực cho Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan chức năng trong việc nhận định đúng tình hình, quyết định các cơ chế, chính sách kịp thời, đột phá, đặc thù.
Đồng thời, việc xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm 2023 đã tiếp tục có những đổi mới theo hướng giảm đầu mối kiểm toán, tập trung kiểm toán báo cáo ngân sách địa phương và các Bộ, ngành phục vụ Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước và phục vụ Hội đồng nhân dân phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.
Thứ hai, KTNN đã tích cực đóng góp ý kiến và cử lãnh đạo tham gia các Đoàn giám sát của Quốc hội, của UBTVQH; tham gia tích cực vào cuộc giám sát về công tác quy hoạch, có báo cáo riêng về nội dung giám sát. Đồng thời, KTNN đã tổ chức cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ” một cách khoa học, chặt chẽ.
Thứ ba, KTNN đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; từng bước chuyển đổi từ phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số, hướng tới môi trường kiểm toán số bảo mật và tích hợp; đã triển khai thí điểm kiểm toán từ xa đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, với những kết quả nổi bật nêu trên, cùng nhiều kết quả tốt trong các mặt công tác khác, KTNN ngày càng khẳng định vị thế của mình, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
“Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH, tôi đánh giá cao và biểu dương kết quả, thành tích mà KTNN đã đạt được trong năm 2022. Đặc biệt, báo cáo kiểm toán đã trở thành nguồn cung cấp thông tin chính xác, tin cậy cho các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân địa phương trong công tác xây dựng chính sách và trong hoạt động giám sát, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, củng cố niềm tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Đánh giá cao KTNN đã thẳng thắn, cầu thị trong việc nêu ra những hạn chế, tồn tại, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ngành cần tiếp tục đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Bước sang năm 2023, tán thành với chủ đề của năm mà KTNN đã đặt ra là “Chất lượng và đạo đức công vụ”; cũng như phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp mà Ngành đã xây dựng, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý KTNN cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai một số nội dung trọng tâm.
Trước hết, KTNN cần tiếp tục bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, Chiến lược phát KTNN để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 đảm bảo tiến độ, chất lượng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả.
Bên cạnh đó, KTNN cần chủ động tham gia ý kiến về các luật rất quan trọng sẽ được đưa vào kế hoạch xây dựng pháp luật như Luật Đất đai (sửa đổi), các luật liên quan đến quản lý giá, đấu giá, đấu thầu, mua sắm công, những vướng mắc về cơ chế trong việc thực hiện các dự án BOT...
KTNN cần tiếp tục đổi mới phương thức kiểm toán từ kế hoạch kiểm toán đến triển khai hoạt động kiểm toán để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán và kiến nghị kiểm toán. Lồng ghép các đoàn, nội dung kiểm toán hợp lý, hiệu quả tại các đơn vị, đầu mối để giảm thiểu tác động và ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến các hoạt động thường xuyên của đơn vị.
Tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước để phục vụ Hội đồng nhân dân và Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước. Đồng thời, bám sát kế hoạch, đề cương giám sát, ưu tiên triển khai sớm các đoàn kiểm toán liên quan đến các chuyên đề giám sát của Quốc hội, UBTVQH, chương trình, dự án quan trọng quốc gia.
Mặt khác, KTNN cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện phương pháp lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện có hiệu quả phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu theo từng lĩnh vực. Tổng kết, đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện kiểm toán từ xa áp dụng cho lĩnh vực kiểm toán doanh nghiệp để thực hiện triển khai phương pháp kiểm toán này trong thời gian tới.
Đặc biệt, KTNN cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong hoạt động kiểm toán; cung cấp kịp thời các thông tin phát hiện kiểm toán quan trọng; kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua kiểm toán. Đồng thời, chú trọng phát hiện, tiếp tục kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp - đây là yêu cầu và thế mạnh của KTNN cần được phát huy; đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức công khai kết quả kiểm toán.
Ngoài ra, KTNN cũng cần tăng cường năng lực chuyên môn đối ngoại, kiến thức và kinh nghiệm kiểm toán, nhất là các lĩnh vực kiểm toán mới; thực hiện có hiệu quả hoạt động hợp tác song phương, đa phương trực tiếp và trực tuyến, nâng cao vị thế, hình ảnh cơ quan KTNN nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân vào KTNN ngày càng cao, đòi hỏi KTNN phải thường xuyên đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả để đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công một cách kịp thời, chính xác, minh bạch.
"Đảng, Nhà nước, Quốc hội luôn tạo điều kiện để KTNN thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời luôn tin tưởng và đặt ra yêu cầu cao đối với cơ quan KTNN. Tôi tin tưởng rằng các đồng chí sẽ phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023 và các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.