Hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam năm 2012: Kỳ II Quản lý, sử dụng vốn còn nhiều bất cập

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 16:10, 21/01/2016

(BKTO) - Trongđiều kiện kinh doanh khó khăn, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (TCT Lilama) đã xâydựng và hoàn thiện Đề án tái cấu trúc, nâng cao năng lực quản trị DN, thực hiệncổ phần hóa. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra một số bất cập cần khắcphục để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại TCT.



KTNN đã chỉ ra Công ty Lilama 45.1 đầu tư không đạt hiệu quả. Ảnh: TS

Hoàn thành cổ phần hóa DN

Thực hiện chủ trương tái cấu trúc DNNN, TCT Lilama đã xây dựng Đề án tái cấu trúc và nâng cao năng lực quản trị giai đoạn 2012-2015 - định hướng đến năm 2020 theo Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, trình Bộ Xây dựng phê duyệt với các nội dung chủ yếu gồm: Xây dựng, hoàn thiện điều lệ tổ chức hoạt động; rà soát sửa đổi bổ sung các quy chế quản lý nội bộ; hoàn thiện Chiến lược phát triển giai đoạn 2013-2015 tầm nhìn 2020; đầu tư phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; kiện toàn mô hình tổ chức theo hướng tinh gọn bộ máy, chuyên môn hóa; tăng cường kiểm soát nội bộ, quản trị doanh nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động; tăng cường trách nhiệm, quyền hạn kiểm tra, giám sát của TCT đối với người đại diện phần vốn của TCT tại các DN; tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Châu Á để thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp đạt hiệu quả.

Tiếp đó, TCT Lilama đã có Văn bản số 222/TCT-HĐTV ngày 28/6/2013 của Hội đồng thành viên về xây dựng Đề án tái cấu trúc công ty con của TCT, chỉ đạo các công ty con lập đề án theo nội dung chỉ đạo của Bộ Xây dựng. Đến thời điểm kiểm toán (tháng 7/2012), các công ty đang tập trung xây dựng đề án gửi TCT phê duyệt.

Thực hiện tái cấu trúc, TCT Lilama cũng tích cực đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa. Theo báo cáo kiểm toán, đến tháng 4/2012, Công ty cổ phần Lisemco là đơn vị cuối cùng thuộc TCT chính thức trở thành Công ty cổ phần.

Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước chưa hiệu quả

Kết quả kiểm toán về việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước của TCT Lilama cho biết, vốn đầu tư của chủ sở hữu 580.847 triệu đồng đơn vị cơ bản sử dụng vào nhiệm vụ sản xuất theo đăng ký kinh doanh và ngành nghề kinh chính. Tuy nhiên, một số đơn vị đầu tư mở rộng ngành nghề chưa hiệu quả như: Công ty cổ phần Lilama 5 đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất que hàn, khi đưa vào sử dụng chỉ đạt 6,3% công suất thiết kế, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, do vậy lỗ lũy kế đến 31/12/2012 là 31,6 tỷ đồng; Công ty cổ phần Lilama 3 đầu tư dự án nhà máy chế tạo đóng tàu Bạch Hạc với tổng mức đầu tư 282,4 tỷ đồng phải “gánh” chi phí lãi vay hơn 85,6 tỷ đồng, do dự án chậm tiến độ, chưa trích khấu hao kịp thời tài sản đã đầu tư để thu hồi và trả nợ vốn vay, hiệu quả sử dụng nguồn vốn thấp ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Sardeung của Công ty cổ phần Lilama 45.1 tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng với tổng mức đầu tư 120.982 triệu đồng, đã chi phí chuẩn bị đầu tư 39.097 triệu đồng nhưng sau đó dự án đã bị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi do doanh nghiệp không hoàn thành các thủ tục đúng thời hạn cho phép.

Đối với việc đầu tư tài chính, số liệu báo cáo kiểm toán cho biết, TCT đầu tư tài chính dài hạn vào công ty liên kết 131.139 triệu đồng và đầu tư dài hạn khác (các công ty cổ phần trong và ngoài TCT không nắm quyền chi phối) là 920.030 triệu đồng. Trong đó, Công ty mẹ đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng 323.413 triệu đồng, đầu tư vào kinh doanh bất động sản 78.500 triệu đồng, đầu tư vào công ty kinh doanh bảo hiểm 50.000 triệu đồng. Việc đầu tư của Công ty mẹ vào các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, kinh doanh bảo hiểm có độ rủi ro cao không vượt tỷ lệ theo quy định về hướng dẫn chế độ tài chính của Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Tuy nhiên, Công ty mẹ đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn vượt 3,53 lần so với vốn đầu tư của chủ sở hữu là chưa đúng quy định.

Đáng chú ý, việc đầu tư tài chính dài hạn của Công ty mẹ vào một số công ty con và các công ty ngoài lĩnh vực kinh doanh chính chưa hiệu quả. Đối với việc đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, theo báo cáo kiểm toán, tình hình sản xuất của một số đơn vị nhận góp vốn của Công ty mẹ gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, đến 31/12/2012, số lỗ lũy kế của Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao là 137.236 triệu đồng/vốn điều lệ 639.400 triệu đồng, Công ty mẹ góp 18,7%; Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long lỗ 549.564 triệu đồng/vốn điều lệ 4.210.000 triệu đồng, Công ty mẹ góp 0,7%; Công ty cổ phần Thủy điện Sông Vàng lỗ 25.87 triệu đồng/vốn điều lệ 148.206 triệu đồng, Công ty mẹ góp 53,8%. Tương tự, một số công ty con nhận góp vốn của Công ty mẹ cũng gặp khó khăn, một số công ty kinh doanh thua lỗ có nguy cơ mất vốn như: Công ty cổ phần Tôn mạ màu Việt- Pháp lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2012 là 582.688 triệu đồng/ vốn điều lệ 69.000 triệu đồng, Công ty mẹ góp 85,7%; Công ty cổ phần Lilama Hà Nội lỗ 336.716 triệu đồng, công ty mẹ góp 51%.

Trước thực trạng này, KTNN đã đưa ra kiến nghị TCT “Xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc đầu tư tài chính tại Công ty cổ phần Tôn mạ màu Việt – Pháp, Công ty cổ phần Lilama Hà Nội sản xuất kinh doanh không có hiệu quả, thua lỗ mất khả năng thanh toán”. Theo báo cáo kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán tại TCT Lilama, ngày 10/6/2014 của KTNN, kiến nghị này đang được các đơn vị triển khai thực hiện theo chỉ đạo của TCT tại Văn bản số 2353/TCT-TCKT ngày 8/11/2013. KTNN cũng đề nghị TCT cùng với Công ty cổ phần Lilama 45.1 có biện pháp tháo gỡ khó khăn và thu hồi chi phí chuẩn bị đầu tư Dự án Nhà máy thủy điện Sardeung song đến thời điểm kiểm tra, đơn vị vẫn đang tìm đối tác để chuyển nhượng.
ĐĂNG KHOA