Quản lý thuế thương mại điện tử gặp khó vì chưa hoàn thiện khung pháp lý

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 15:35, 03/05/2018

(BKTO) - Trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, vấn đề quản lý thuế đối với lĩnh vực này lại chưa được hoàn thiện khung pháp lý, gây ra nhiều khó khăn cho các cơ quan nhà nước, đồng thời ngân sách quốc gia cũng bị thất thoát đáng kể một nguồn thu.



Việc thu thuế TMĐT đang là một thách thức đối với cơ quan thuế -Ảnh: ST

Nhiều khó khăn khi thu thuế thương mại điện tử

Tại Hội thảo Toàn cảnh TMĐT Việt Nam 2018 mới đây, đại diện Hiệp hội TMĐT cho biết, năm 2017, cả nước đã có 53,86 triệu người truy cập internet, 33% người tiêu dùng thực hiện chuyển khoản khi mua sắm trực tuyến. Ngoài các nhà bán lẻ, các DN sản xuất cũng bắt đầu tham gia vào thị trường này. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng của khu vực TMĐT trong năm qua đã vượt trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái và đà tăng trưởng này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong giai đoạn 2018-2020.

Tuy nhiên, đối với việc quản lý thuế, TMĐT vẫn là một lĩnh vực khá mới, chính vì vậy, nhiều cơ quan đã lúng túng, vướng mắc trong quá trình quản lý, hướng dẫn kê khai và nộp thuế, gây thất thoát nguồn thu cho NSNN.

Liên quan đến những bất cập này, bà Mạnh Thị Tuyết Mai - Vụ Chính sách của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) - đã nêu ra hàng loạt dẫn chứng. Đầu tiên, đó là những vướng mắc trong việc cấp giấy phép kinh doanh. Theo quy định, các tổ chức, cá nhân được kinh doanh những lĩnh vực mà pháp luật không cấm như: tài sản kỹ thuật số, cung cấp dịch vụ quảng cáo trên các ứng dụng bằng phần mềm, kết nối vận tải bằng phương tiện điện tử… Mặc dù vậy, do hoạt động TMĐT chưa được xác định rõ trong danh mục ngành nghề kinh doanh nên cơ quan quản lý vẫn gặp khó khăn khi phân loại ngành nghề để xác định nghĩa vụ nộp thuế. Điển hình nhất trong giai đoạn vừa qua là trường hợp của Uber và Grab, khi giữa các cơ quan quản lý vẫn chưa có sự thống nhất về loại hình kinh doanh này.

Bên cạnh đó, việc quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới như: dịch vụ đặt phòng khách sạn trực tuyến Agoda, Booking… của nước ngoài cũng là một thách thức cho cơ quan thuế của Việt Nam. Thực tế, các cơ sở này thường không kê khai nộp thuế đầy đủ. Với dịch vụ trò chơi điện tử qua mạng, thậm chí nhiều DN cung cấp còn chưa thực hiện kê khai nộp thuế.

Hiện nay, nhiều DN, cá nhân vẫn sử dụng website cũng như mạng xã hội để bán hàng trực tuyến, nhưng họ thường chỉ thu tiền mặt và không xuất hóa đơn bán hàng. Điều này đã khiến ngành thuế gặp khó khăn khi không thể quản lý được dịch vụ cung cấp sản phẩm và kiểm tra doanh thu của bên bán.

Ngoài ra, sự khó khăn đối với ngành thuế còn đến từ việc Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng hóa đơn giấy, khi loại hóa đơn này đang chiếm gần 92% tổng số hóa đơn trong các giao dịch TMĐT ở nước ta…

Cần hoàn thiện quy định về quản lý thuế thương mại điện tử

Để khắc phục những vướng mắc nói trên, ngành tài chính đã trình Chính phủ Đề án Hoá đơn điện tử và đang nghiên cứu xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi), trong đó có một chương về TMĐT. Dự kiến, Luật sẽ được trình Quốc hội vào năm 2018.

Từ góc độ hội nghề nghiệp, Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho rằng, việc Bộ Tài chính xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là bước khởi đầu quan trọng trong công tác quản lý thuế đối với TMĐT, các tổ chức và DN liên quan đến hoạt động kinh doanh trực tuyến cần đóng góp ý kiến để xây dựng Dự Luật này.

Theo Hiệp hội, cơ quan quản lý phải tính toán kỹ hiệu quả kinh tế - xã hội của việc thu thuế TMĐT và chi phí bỏ ra cho việc thu thuế. Điều quan trọng là Nhà nước không nên đặt mục tiêu tận thu mà cần phải thúc đẩy việc tạo nguồn thu lớn từ kinh doanh trực tuyến, không nên gây ra những trở ngại mới dẫn đến hạn chế đà tăng trưởng của lĩnh vực này.

Từ đó, Hiệp hội đề xuất, quá trình thu thuế cần gắn với giải pháp đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời, phải tính đến các giải pháp nhằm giảm bớt sự thất thu thuế đối với trường hợp kinh doanh TMĐT cá thể như hiện nay.

Cùng nêu quan điểm chính sách thuế phải tạo điều kiện cho DN, ông Vũ Tú Thành - đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, cho rằng: Việt Nam cần nghiên cứu những lợi ích của mô hình kinh tế chia sẻ và xây dựng chính sách phù hợp để khuyến khích các DN cũng như các tổ chức khác cung cấp dịch vụ trên nguyên tắc chung là nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội.

Về quản lý thuế, theo bà Mai, Nhà nước cần có quy định rõ ràng về các hình thức giao dịch điện tử và các giải pháp nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trong TMĐT. Đồng thời, phải xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các mô hình thu thuế, khai thuế và hóa đơn điện tử để 100% người nộp thuế tiếp cận được với phương thức giao dịch này. Ngành thuế cũng cần cải thiện tính năng của Cổng thông tin điện tử để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đăng ký và nộp thuế.

Bên cạnh đó, vấn đề này cũng phải có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan. Dự thảo Luật Quản lý thuế đã nêu rõ: Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu thực hiện các giải pháp về thanh toán, xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia; Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ từ nước ngoài như Google, Facebook phải thiết lập đầu mối ở Việt Nam để khai báo thuế nhà thầu…

Các chuyên gia trong lĩnh vực này kỳ vọng, khi các giải pháp trên được triển khai một cách đồng bộ thì tình trạng bất cập hiện nay sẽ cơ bản được khắc phục, hoạt động TMĐT sẽ phát triển mạnh mẽ hơn và NSNN cũng có thêm nguồn thu mới bền vững hơn .

THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 17+18/2018