Kiểm toán nhà nước quyết tâm giảm số lượng, giảm chồng chéo, tăng chất lượng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:50, 30/12/2022
Tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đại diện cho tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động KTNN bày tỏ lời cảm ơn trân trọng tới đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước có những đánh giá cao, ghi nhận những đóng góp và vai trò của KTNN đối với đất nước trong thời gian vừa qua, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà KTNN cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Mục tiêu năm 2023 của KTNN là đoàn kết, cố gắng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, khắc phục những tồn tại, hạn chế để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó với phương châm giảm số lượng, giảm chồng chéo, tăng chất lượng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
Ngoài 8 nhiệm vụ trọng tâm và 8 nhóm giải pháp mà KTNN đã đề ra, cùng với 6 nhóm giải pháp mà Phó Chủ tịch Quốc hội đã nêu, KTNN sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện kế hoạch công tác năm 2023 với một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, nhiệm vụ vô cùng quan trọng mà KTNN phải làm cho được là giảm số lượng, tăng chất lượng, giảm chồng chéo. Muốn vậy, ngay từ đầu năm, từng cá nhân, từng đơn vị, đặc biệt là Thủ trưởng các đơn vị phải xây dựng kế hoạch rất chi tiết để triển khai các nhiệm vụ được giao, từ nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện các cuộc kiểm toán, đến nhiệm vụ phục vụ các đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Hội đồng nhân dân; đến nhiệm vụ đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Trong bối cảnh lực lượng không tăng nhưng nhiệm vụ ngày một tăng nên các đơn vị phải bố trí nguồn lực cho rõ ràng, hiệu quả. Liên quan đến vấn đề này, Ban cán sự Đảng KTNN cũng đã có những chỉ đạo rất cụ thể để các đơn vị thực hiện.
Lãnh đạo KTNN cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc thu thập bằng chứng kiểm toán để trên cơ sở đó đưa ra được những kết luận, kiến nghị kiểm toán xác đáng. Đồng thời, cần chú trọng kiểm soát chất lượng kiểm toán theo 05 cấp, bắt đầu từ cấp kiểm toán viên.
Các Kiểm toán trưởng phải đề cao vai trò kiểm soát của cấp lãnh đạo, tiếp đó là các cấp đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. Người đứng đầu đơn vị phải có trách nhiệm nắm bắt tốt tình hình thực tế, năng lực, trình độ của công chức để bố trí công việc cho phù hợp.
Thứ hai, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng. Các đơn vị phải quán triệt, học tập đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động, trước hết là các văn bản của Đảng và Chỉ thị số 1346/CT-KTNN ngày 28/10/2022 về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong thực thi công vụ.
Ngoài việc đánh giá chất lượng đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán và hoạt động kiểm toán nói chung, cần chú trọng việc kiểm tra, giám sát, đặc biệt là kiểm tra đột xuất.
Thủ trưởng các đơn vị phải làm thật chặt chẽ, lựa chọn người xứng đáng, có tâm, tài đức để thực hiện nhiệm vụ; phải tăng cường kiểm tra đột xuất để kiểm soát chất lượng kiểm toán, cũng như ngăn chặn, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.
Cần tăng cường phối hợp với địa phương, đơn vị được kiểm toán để quản lý đoàn kiểm toán và kết thúc kiểm toán phải có phiếu điều tra để lấy ý kiến đánh giá của đơn vị về chất lượng của đoàn kiểm toán cũng như đạo đức công vụ của các thành viên.
Thứ ba, tăng cường công tác giáo dục đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức công vụ cho kiểm toán viên. Cần phải bố trí thời gian phù hợp, lớp học phù hợp cho các đối tượng (cả người học và giảng viên) phù hợp.
Đồng thời, cần không ngừng đổi mới phương thức học và dạy, giảm giờ giảng, tăng giờ tranh luận, tăng kiểm tra, có như vậy mới đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ của KTNN. Ngoài các nội dung đào tạo thường xuyên, cần chú trọng đến việc đào tạo các lĩnh vực kiểm toán mới, khó như kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin…
Đặc biệt, cần phải coi trọng giáo dục đạo đức công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương (trong năm 2022, KTNN đã tổ chức 05 lớp đào tạo, giáo dục đạo đức công vụ để ngăn ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực). Trong điều kiện hội nhập và sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 thì không thể không chú trọng đào tạo ngoại ngữ và tin học. Trong đó, lực lượng thanh niên của KTNN phải đi đầu trong lĩnh vực này.
Thứ tư, chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kịp thời nắm bắt tâm tư của cán bộ, công chức, kiểm toán viên để có sự điều chỉnh phù hợp. Công tác này cần được thực hiện xuyên suốt, liên tục.