Ngăn ngừa rủi ro trên thị trường tài chính
Tài chính - Ngày đăng : 14:12, 30/12/2022
Quy mô thị trường tăng mạnh nhưng rủi ro vẫn tiềm ẩn
Ông Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia - nhận định, những năm qua, thị trường tài chính Việt Nam đã có nhiều phát triển mới. Tuy nhiên, cấu trúc thị trường chưa ổn định, vốn vẫn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có bước phát triển nhưng chưa được như kỳ vọng. Hệ thống hành lang pháp lý nhất là cho những mô hình kinh doanh mới như tập đoàn tài chính, vận hành quản lý tài chính… cũng chưa đầy đủ.
Cũng theo ông Thăng, đến nay, quy mô thị trường vốn tăng gấp 3,6 lần, tương đương 132% GDP vào cuối năm 2021, dần cân bằng với quy mô tín dụng ngân hàng, trong đó, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và vốn hoá thị trường cổ phiếu tăng mạnh. Tuy nhiên, 9 tháng năm 2022, quy mô thị trường vốn giảm do các biến động bất lợi. Các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn chiếm tỷ trọng chủ đạo (93,5%) tổng tài sản của hệ thống các định chế tài chính. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam còn cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống TCTD, chưa kể nợ xấu và tài sản xấu còn tồn đọng tại một số TCTD trong giai đoạn tái cơ cấu trước, một số ngân hàng thương mại tái cơ cấu chưa thành công...
Cấu trúc thị trường chứng khoán vẫn mất cân đối. Đối với lĩnh vực bảo hiểm, quy mô, mức độ thâm nhập thị trường bảo hiểm Việt Nam còn thấp, chi phí doanh nghiệp bảo hiểm trả cho kênh phân phối lớn, làm tăng chi phí của người tham gia bảo hiểm và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm bảo hiểm được cung cấp… Chính vì vậy, các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, trong đó có Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường quản lý, giám sát, góp phần đảm bảo an toàn, lành mạnh cho thị trường tài chính Việt Nam.
TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cho rằng, có 3 rủi ro lớn đối với hệ thống tài chính cần được nhận diện để có giải pháp khắc phục. Thứ nhất, sự mất cân đối bởi nguồn vốn vẫn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, trong khi thị trường trái phiếu, nhất là trái phiếu doanh nghiệp chưa phát huy tốt. Thứ hai, rủi ro về hệ thống tài chính đã và đang tăng lên, nhất là rủi ro lan truyền giữa ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm ngày một phức tạp hơn, tinh vi hơn. Thứ ba, thể chế kinh tế chưa hoàn thiện, đặc biệt là thể chế để khuyến khích những mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng như tài chính số, ngân hàng số.
Tăng tính răn đe, minh bạch đối với thị trường
Từ những phân tích trên, ông Lực đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cần khẩn trương hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả cho thị trường tài chính, kiểm soát rủi ro của hệ thống tài chính. Nghị định số 128/2021/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán) cần được sửa đổi theo hướng tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trên thị trường chứng khoán, tăng tính răn đe và hiệu lực thực thi pháp luật (mức phạt tối đa hiện nay là 1,5 tỷ đồng với cá nhân và 3 tỷ đồng với tổ chức, vẫn thấp so với thiệt hại).
Đồng thời, cơ quan quản lý cần sớm ban hành Quy chế hướng dẫn Thông tư số 120/2020/TT-BTC về giao dịch T+0 theo đúng kế hoạch, lộ trình, góp phần tăng thanh khoản thị trường; nghiên cứu, sửa đổi một số tiêu chí của nhóm cổ phiếu VN30 nhằm đảm bảo chất lượng, quy mô, hiệu quả của các doanh nghiệp lớn, dẫn dắt thị trường. Cần đẩy mạnh hơn quá trình cơ cấu lại hệ thống tài chính, ngân hàng, đặc biệt là những tổ chức tài chính yếu kém để đảm bảo phân bổ và huy động nguồn lực hiệu quả hơn. Việc này cũng đảm bảo hệ thống tài chính phát triển bền vững, tránh những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh như đã xảy ra trong thời gian qua.
Ông Lê Trung Kiên - Phó Cục trưởng Cục Giám sát an toàn hệ thống các TCTD, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - cho biết, NHNN sẽ ban hành Sổ tay giám sát ngân hàng thay thế Sổ tay giám sát ngân hàng 2017, trong đó hướng dẫn thực hiện kiểm tra sức chịu đựng đối với hệ thống các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo thông lệ quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu, hoàn thiện mô hình kiểm tra sức chịu đựng tại NHNN, xây dựng các kịch bản kiểm tra sức chịu đựng tại NHNN, xây dựng báo cáo giám sát an toàn vĩ mô đối với hệ thống các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán, Luật DN và các văn bản hướng dẫn để điều chỉnh nhằm khắc phục sớm những bất cập, vướng mắc trên thị trường chứng khoán. Bộ Tài chính cũng phối hợp với các Bộ, ngành, báo cáo Chính phủ việc sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện hiện nay cũng như giải quyết những vướng mắc của thị trường trái phiếu. Đồng thời, đẩy mạnh giám sát hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán cơ sở, thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường trái phiếu DN. Tăng cường thông tin đầy đủ, chính thống và kịp thời tới công chúng đầu tư, giúp các DN, nhà đầu tư an tâm tham gia huy động và đầu tư trên thị trường vốn…/.