Báo động tình trạng sử dụng phần mềm không có bản quyền

Đầu tư - Ngày đăng : 15:50, 03/05/2018

(BKTO) - Cùng với việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về sở hữu trí tuệ (SHTT), nhận thức của cộng đồng DN về quyền và nghĩa vụ liên quan đến SHTT ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, hành vi vi phạm quyền SHTT, quyền tác giả, trong đó vi phạm về bản quyền phần mềm vẫn chưa được các DN nhận thức đầy đủ.



Tình trạng sử dụng phần mềm không bản quyền vẫn còn phổ biến - Ảnh: TK

78% phần mềm không có bản quyền

Theo Báo cáo thường niên hoạt động SHTT năm 2016 của Cục SHTT, lượng đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) nộp vào Cục tăng 14,2%; kết quả xử lý đơn sáng chế của người Việt Nam được quan tâm và thúc đẩy, tăng 23% so với năm 2015. Tuy nhiên, hành vi vi phạm quyền SHTT, quyền tác giả, trong đó, vi phạm bản quyền phần mềm chưa được các DN nhận thức đầy đủ.

Phản ánh thực trạng vi phạm quyền tác giả và quyền SHTT, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Văn Minh cho biết, hàng năm, cơ quan này đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là chương trình phần mềm máy tính. Theo đó, năm 2017, đã có hơn 2.400 máy tính tại 63 DN phải chấp hành việc thanh tra, kiểm tra theo đơn yêu cầu xử lý xâm phạm quyền tác giả của chủ sở hữu. Trong đó, 54 DN có hành vi sao chép chương trình phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu; dẫn đến bị xử lý vi phạm hành chính 1,65 tỷ đồng. Trong quý I/2018, Thanh tra của Bộ đã tiến hành thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính tại 26 DN, xử phạt vi phạm hành chính 750 triệu đồng...

Chung quan ngại về tình trạng sử dụng phần mềm bất hợp pháp tại Việt Nam, Giám đốc Chương trình Tuân thủ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (BSA) Gary Gan cho biết, tỷ lệ cài đặt phần mềm không bản quyền của Việt Nam thuộc hàng cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương (78%). Việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp không chỉ vi phạm quyền SHTT mà còn là nguyên nhân của những nguy cơ bị tấn công bằng mã độc, gây ra những tổn thất nặng nề trên nhiều phương diện cho DN.

Khảo sát riêng về hiện trạng an toàn thông tin trong DN của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cũng cho thấy, hệ thống thông tin trong DN rất đáng lo ngại: mật khẩu yếu, nhận thức về an toàn thông tin kém, chủ DN vẫn “lơ là” với vấn đề bảo mật… Năm 2017, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính ghi nhận, có hơn 13.000 sự cố tấn công mạng vào các trang web của Việt Nam. Riêng 2 tháng đầu năm 2018, cũng có khoảng 1.500 sự cố.

Vi phạm SHTT có thể bị xử lý hình sự

Liên quan đến việc vi phạm bản quyền phần mềm, Giám đốc BSA Gary Gan khuyến nghị, các DN nên sử dụng Mô hình Quản lý tài sản phần mềm để bảo đảm chỉ cài đặt, sử dụng phần mềm hợp pháp, có giấy phép trong tổ chức. Quy trình này bao gồm 4 bước: các DN tiến hành đánh giá kiểm kê để biết được công ty đang sử dụng phần mềm có bản quyền hay không; các phần mềm phải đồng bộ với nhu cầu của DN mình; đề ra các quy trình trong nội bộ DN; tiến hành tích hợp các bộ phận trong nội bộ DN mình để được sử dụng các phần mềm có phép.

Tại Tọa đàm DN Việt Nam và vấn đề thực thi quyền SHTT theo quy định của Bộ Luật hình sự (sửa đổi) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục SHTT tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ngày càng tham gia tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, gần đây nhất là việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết vào tháng 3/2018. Tham gia vào sân chơi quốc tế, các DN trong nước sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh khi được tiếp cận với thị trường rộng lớn nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như: áp lực cạnh tranh và tuân thủ các quy định, luật chơi quốc tế, trong đó có vấn đề SHTT.

Luật sư Phạm Anh Tuấn (Văn phòng Luật sư Phạm và liên danh) nhấn mạnh, các nước trên thế giới đang có xu hướng hình sự hóa hành vi vi phạm SHTT bằng cách mở rộng đối tượng áp dụng biện pháp thực thi hình sự đối với những vi phạm về nhãn hiệu, quyền tác giả, quyền liên quan, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. Trong xu thế chung đó, Việt Nam đã và đang hoàn thiện khung khổ pháp lý để điều chỉnh lĩnh vực này bằng việc sửa đổi, bổ sung các quy định và chế tài xử lý nghiêm khắc hơn. Theo đó, nếu như trước đây, hành vi vi phạm quyền tác giả chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có yêu cầu của bị hại thì hiện nay, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) quy định, cơ quan tố tụng có thể tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự mà không cần có yêu cầu nói trên.

Bổ sung thêm, Trưởng phòng Pháp luật hình sự thuộc Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) Lê Thị Vân Anh cho biết, Điều 225 và 226 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) có hiệu lực từ tháng 01/2018 quy định, các pháp nhân thương mại xâm phạm quyền SHTT có thể bị phạt tiền, đình chỉ hoạt động với thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực/cấm huy động vốn từ 1 đến 3 năm. Thậm chí, tùy theo mức độ vi phạm, không chỉ giới hạn ở cá nhân, các pháp nhân thương mại cũng có thể bị khởi tố hình sự. Vì vậy, DN cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt các quy định pháp luật về SHTT; rà soát lại các quyền SHTT mà DN đang sử dụng… để tránh vi phạm pháp luật.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 17+18/2018