Chủ động nghiên cứu, đề xuất từng bước mở rộng đối tượng chính sách được vay vốn

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 16:47, 30/12/2022

(BKTO) - Yêu cầu được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh khi dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, sáng 29/12.
00.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Chính phủ

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao nội dung Báo cáo tổng kết 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đã tổng kết một cách tổng thể, hệ thống những kết quả, hiệu quả của việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước.

Nhấn mạnh các kết quả đã đạt được trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả quan trọng và đóng góp lớn của tín dụng chính sách xã hội trong 20 năm qua, góp phần thiết thực vào những thành tựu chung về phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân của cả nước.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Năm 2023 có nhiều khó khăn, thách thức hơn năm 2022.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta cần xác định việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ.

Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tập trung chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, Bộ, ban ngành, tổ chức chính trị-xã hội và các địa phương nghiêm túc triển khai Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; Quyết định 1630 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện kết luận của Ban Bí thư; tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm sau:

Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật; cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội như huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực tín dụng chính sách xã hội.

Chủ động nghiên cứu, đề xuất từng bước mở rộng đối tượng chính sách được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với các Chương trình mục tiêu quốc gia, các mục tiêu an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nghiên cứu, đề xuất tích hợp thống nhất các chương trình tín dụng ưu đãi để tập trung nguồn lực, tránh dàn trải gắn với đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, lao động tiền lương, tạo động lực thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; cơ chế trích lập dự phòng rủi ro; tạo điều kiện để NHCSXH phát triển đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phù hợp với đặc thù của ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Phó Thủ tướng lưu ý NHNN khi đề xuất chính sách cần đánh giá thật kỹ tác động của chính sách. Đảm bảo chính sách ban hành thực hiện được ngay và mang lại hiệu quả thiết thực cho người thụ hưởng. Phải tuyệt đối tránh tình trạng chính sách ban hành ra nhưng không thực hiện được. Đặc biệt là chính sách đối với người nghèo.

Phó Thủ tướng đề nghị NHNN, NHCSXH tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng đặc thù, đặc biệt, riêng có của NHCSXH để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước.

Tập trung huy động các nguồn lực tài chính theo phương châm "Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm", "Trung ương và địa phương cùng làm" đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là trong điều kiện các nguồn lực của Nhà nước còn nhiều hạn chế, khó khăn.

NHCSXH tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, trong đó tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho vay các đối tượng chính sách nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.

Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát vốn vay chặt chẽ, không để cho vay sai đối tượng, sai mục đích sử dụng vốn.

Tăng cường công tác thu hồi nợ quá hạn, xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, tạo điều kiện để người vay khôi phục sản xuất kinh doanh, tránh nguy cơ tái nghèo.

Nghiên cứu, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ theo hướng hiện đại, tiện lợi, dễ sử dụng, chi phí phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, người yếu thế, các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã, nhằm thực hiện tốt chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phù hợp với hoạt động của NHCSXH.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn tinh gọn tổ chức bộ máy; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, hiện đại hóa ngành ngân hàng và phù hợp với hoạt động đặc thù của tín dụng chính sách xã hội như có nhiều chương trình vay với các chính sách ưu đãi khác nhau, số lượng khách hàng lớn, quy mô khoản vay thấp, phải thực hiện giao dịch tại xã, phường chứ không phải tại trụ sở của ngân hàng... tuy nhiên phải đảm bảo an ninh, an toàn, tiện lợi và dễ sử dụng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng NHCSXH sẽ không ngừng phát triển và giữ vững niềm tin của nhân dân với phương châm "Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ" và "nơi nào có người nghèo, nơi đó có NHCSXH"./.

HỒNG NHUNG