Bốn luật có hiệu lực thi hành kể từ 01/01/2023

Pháp luật - Ngày đăng : 15:36, 30/12/2022

(BKTO) - Từ ngày 01/01/2023, bốn luật có hiệu lực thi hành, bao gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Sở hữu trí tuệ.

Bảo đảm trật tự, an toàn xã hội

Luật Cảnh sát cơ động năm 2022 đã thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013; sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; khắc phục những khó khăn, bất cập, hạn chế của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Đồng thời, Luật cũng phát triển, bổ sung các quy định mới nhằm thể hiện tính đặc thù của Cảnh sát cơ động, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi được ban hành.

Luật Cảnh sát cơ động năm 2022 gồm 5 chương và 33 điều, với các nội dung về: Quy định chung; Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; Bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động; Quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động; Điều khoản thi hành.

Đáng chú ý, Điều 8 của luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với cảnh sát cơ động: chống đối, cản trở hoạt động của cảnh sát cơ động; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sỹ cảnh sát cơ động, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ cảnh sát cơ động trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ; chiếm đoạt, hủy hoạt, cố ý làm hư hỏng, tàng trữ, sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cảnh sát cơ động; mua chuộc, hối lộ hoặc có hành vi ép buộc cán bộ, chiến sỹ cảnh sát cơ động làm trái với nhiệm vụ, quyền hạn được giao; giả danh cán bộ, chiến sỹ cảnh sát cơ động; giả mạo phương tiện, làm giả, mua bán, sử dụng trái phép trang phục, phù hiệu, con dấu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt của cảnh sát cơ động.

Luật là cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc để Cảnh sát cơ động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển, hội nhập của đất nước.

Khắc phục bất cập, hạn chế trong hoạt động điện ảnh

quoc-hoi-quyet-thong-qua-luat-dien-anh-sua-doi(1).jpg
Quốc hội quyết thông qua Luật Điện ảnh sửa đổi. Ảnh sưu tầm.

Luật Điện ảnh gồm 8 chương, 50 điều; nhằm xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tổng thể phát triển của văn hóa-xã hội, đảm bảo tính minh bạch, tính khả thi cao và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Luật Điện ảnh năm 2022 có một số điểm mới liên quan đến quy định quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phổ biến phim.

Theo Điều 18 của luật, quyền của cơ sở điện ảnh phổ biến phim: phổ biến phim theo quy định của pháp luật; thực hiện quảng cáo phim và dịch vụ khác phục vụ người xem theo quy định của pháp luật.

Nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phổ biến phim bao gồm: Bảo đảm phổ biến phim theo nội dung đã đăng ký kinh doanh, chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc được phê duyệt; chỉ được phổ biến phim có Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng, trừ trường hợp tự thực hiện phân loại phim theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 của luật này; bảo đảm điều kiện để phổ biến phim đối với từng hình thức phổ biến phim; thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; dừng việc phổ biến phim khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đáng chú ý, tại Điều 41, Luật Điện ảnh năm 2022 quy định nội dung hoàn toàn mới về chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam nhằm góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy phát triển điện ảnh, du lịch và các ngành dịch vụ liên quan.

Doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản

noi-dung-nhung-diem-moi-cua-luat-kinh-doanh-bao-hiem-cua-quoc-hoi-luat-so-082022qh15.jpg
Nội dung, những điểm mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm của Quốc hội, Luật số 08/2022/QH15. Ảnh minh họa.

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có 7 chương, 157 điều.

Luật có một số điểm mới như: Điều 15 của luật quy định 5 loại hợp đồng bảo hiểm, bao gồm: Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe; Hợp đồng bảo hiểm tài sản; Hợp đồng bảo hiểm thiệt hại; Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm.

Điều 9 quy định các hành vi bị nghiêm cấm như: Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm khi không có giấy phép thành lập và hoạt động; hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm không đúng phạm vi được cấp phép; hoạt động đại lý bảo hiểm, hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khi không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, thực hiện các hành vi gian lận cũng bị nghiêm cấm, bao gồm: thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm; đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Đáng chú ý, khoản 3 Điều 99 quy định, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được phép thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp: mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng; mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng; nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nắm giữ.

Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được phép thực hiện các hoạt động đầu tư chứng khoán phái sinh hoặc hợp đồng phái sinh, trừ trường hợp chứng khoán phái sinh niêm yết nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm và từ danh mục đầu tư chứng khoán doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam đang nắm giữ.

Đảm bảo thống nhất hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định về tác giả, đồng tác giả. Cụ thể, tác giả là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm. Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả. Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo tác phẩm không phải là tác giả, đồng tác giả.

Việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm có đồng tác giả phải có sự thỏa thuận của các đồng tác giả, trừ trường hợp tác phẩm có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác hoặc luật khác có quy định khác.

Tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định quyền nhân thân của tác giả, bao gồm: Đặt tên cho tác phẩm (tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này); đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc, không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Đáng chú ý, về hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan, khoản 2 Điều 50 quy định về tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan.

Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt có đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; thời gian hoàn thành; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; thông tin về cấp lại, cấp đổi (nếu có), cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong tờ khai.

Tờ khai do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan.

Khoản 2 Điều 50 cũng quy định hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan; giấy ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan là người được ủy quyền; tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền; văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả; văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung./.

TRẦN HUYỀN