Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tiếp tục rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách, quy định pháp luật không còn phù hợp
Đối nội - Ngày đăng : 07:30, 04/05/2018
(BKTO) - Ngày 3/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018.
Tại Phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2018; công tác chuẩn bị phục vụ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV; tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh 4 tháng đầu năm 2018; phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 còn lại; việc quản lý và sử dụng viên chức, hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ và một số nội dung quan trọng khác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thu, chi NSNN cơ bản được bảo đảm, đến hết tháng 4 đạt khoảng 33,8% dự toán thu và gần 27% dự toán chi. Giải ngân vốn FDI đạt khá, cao hơn cùng kỳ. Tình hình sản xuất kinh doanh diễn biến tích cực và tương đối toàn diện trong cả 3 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ. Trong đó, công nghiệp và dịch vụ là điểm sáng, nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và du lịch. Xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng cao, tính chung 4 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu ước tăng 19%; tổng kim ngạch nhập khẩu ước tăng trên 10%; cán cân xuất, nhập khẩu tiếp tục xuất siêu, thặng dư khoảng 3,39 tỷ USD.
Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân được bảo đảm; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thông tin và truyền thông phát triển toàn diện; công tác bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Sau khi phân tích những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức của tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình để có những phản ứng chính sách kịp thời; tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ; đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.
“Tôi đề nghị từng thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng, tư lệnh các ngành phải luôn nhận thức rõ trọng trách trước Đảng, Chính phủ, trước nhân dân; thực sự đổi mới, cầu thị, sát việc, sát thực tiễn, sát dân; theo dõi, ứng phó kịp thời trước những vấn đề mới, những biến động rất nhanh của bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế để tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. |
Rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, làm cản trở phát triển kinh tế-xã hội thì phải sửa đổi, cắt bỏ, bãi bỏ ngay. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành và phải được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Quang cảnh phiên họp -Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Điều hành hiệu quả chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, làm tốt công tác quản lý thu-chi NSNN, chống chuyển giá, trốn thuế. Bảo đảm an toàn nợ công và tài chính quốc gia; tăng cường quản lý thu, tạo chuyển biến rõ nét trong việc chống thất thu, nợ đọng thuế. Giám sát chặt chẽ các khoản chi từ NSNN; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiết kiệm chi thường xuyên, mua sắm, hội họp... Rà soát, công khai, minh bạch giá thị trường tài sản công và đất đai, không để thất thoát đất đai, tài sản Nhà nước.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường; kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa nông sản. Thực hiện tốt công tác quản lý phân bón, vật tư nông nghiệp, chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo dõi sát tình hình sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành khai khoáng, khuyến khích các DN tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Quyết liệt thực hiện các nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển DN; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật, sách nhiễu người dân và DN. Tập trung cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và DN phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, trọng dụng nhân tài, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Tăng cường kỷ luật kỷ cương trong hệ thống hành chính và toàn xã hội. Chấn chỉnh ngay tình trạng thanh tra, kiểm tra tràn lan, gây phiền hà cho người dân, DN.
Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 04/2018. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm thời gian qua, như: quan điểm của Chính phủ về việc TP. Hà Nội xin cơ chế đặc thù để giữ lại nguồn thu xây dựng 3 tuyến đường sắt trên cao; những thông tin xung quanh hoạt động của Hội thánh của Đức Chúa trời; đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu; việc mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê chuẩn, bổ sung một loạt sân golf vào quy hoạch sân golf của Việt Nam đến năm 2020; việc thất lạc Bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm...
Trả lời về phương án xử lý dự án BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Bộ GTVT đã trình Chính phủ 5 phương án khác nhau, có phân tích những ưu điểm và hạn chế của từng phương án và lượng hóa thành thời gian thu phí cụ thể, sau đó đã có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và đã có kết luận của Thủ tướng. Theo kết luận này, Bộ GTVT sẽ chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang xem xét, xây dựng kế hoạch cụ thể và quyết định 1 trong 2 phương án mà Bộ GTVT đã trình.
Trong đó, phương án 1 là giữ nguyên trạm hiện tại và giảm mạnh mức thu, ví dụ như từ 35.000 đồng xuống còn 15.000 đồng đối với xe con. Đây là phương án ưu việt nhất trong bối cảnh hiện tại, ít xáo trộn nhất đến việc tổ chức giao thông trong nội đô của Cai Lậy và ít tác động tiêu cực tới việc ô nhiễm môi trường ở khu đô thị đó, trong đó có việc cải tạo Quốc lộ 1.
Phương án 2 là đặt thêm 1 trạm nữa trên đường tránh và song song thu phí 2 trạm này, khi hoàn vốn cho Quốc lộ 1 thì dỡ trạm trên Quốc lộ 1 và khi hoàn vốn trên đường tránh thì sẽ dỡ bỏ trạm trên đường tránh.
“Tuy nhiên, sau khi so sánh 2 phương án, chúng tôi thấy phương án 1 có nhiều ưu điểm. Trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi sẽ thực hiện chỉ đạo đó, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Tiền Giang tính toán chi tiết về thời gian, dự thu và sẽ thông báo rộng rãi tới người dân” - ông Đông cho biết.
PHÙNG NGUYÊN